PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II A 4)
(PHÂN ĐOẠN 4, TRUYỆN KÍ THỨ 7)
Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm
TRẦN XUÂN AN
CƯỠNG ƯỚC “HỮU NGHỊ”
VÀ CƯỠNG ƯỚC THƯƠNG MẠI,
GIÁP TUẤT 1874
Truyện kí thứ bảy
(phân đoạn 4)
9
Ngày mùng một tháng mười một, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873), hai phái đoàn của hai bên rời Huế. Hai hôm sau, mùng ba, chiếc tàu thuỷ D’Estrées rời cảng Đà Nẵng. Mùng năm, tàu đến Cửa Cấm (Hải Phòng) (128).
Đến lúc này, Philastre và những tên Pháp khác cùng linh mục thông ngôn Nguyễn Hoằng trong phái đoàn Pháp mới được thư thông báo của chính những tên thực dân đang đóng tại Hà Nội gửi xuống: Françis Garnier đã bị hạ sát cùng mấy tên quan lính viễn chinh. Philastre kinh hoảng. Y cảm thấy chưa bao giờ kinh hoảng đến thế. Y đập tay xuống bàn giận dữ. Các tên đồng bọn cũng sùng sục căm tức và phập phồng lo âu.
Philastre vẫn đang bừng đỏ sắc mặt xen lẫn nét thất thần, nhưng cố bình tĩnh thông báo lại cho phó sứ Nguyễn Văn Tường và các viên quan tuỳ tùng của phái đoàn Đại Nam. Nhìn Nguyễn Văn Tường, người mà y rất kính nể và cảm phục, Philastre nói tiếp:
- “Việc chắc không xong, phải phi báo [vào] quan Pháp soái [Dupré]. [Chúng tôi thấy] không nên ở lâu [tại đây]” (129) .
Phó sứ Nguyễn Văn Tường thấy Philastre đang rất bối rối và tức giận, ông sợ sẽ hỏng việc lớn, nên mới thong thả nói một cách điềm tĩnh, từ tốn:
- “Việc [chiếm] lấy Hà Nội, quý soái [Dupré] đã nói không phải bổn ý [của quý soái]. Còn như sức [quân] binh bốn tỉnh [Bắc Kì] cũng mạnh, mà nước tôi cũng không đem ra tranh hoành. [Như thế] thiệt là hai bên đều không trái ý nhau. Đến như việc An Nghiệp [Françis Garnier] chết, [ấy là bởi:] hoặc tại kẻ trộm cướp nơi khác đến, hoặc tại dân bổn xứ khích giận. [Vụ] việc [ấy] chưa rõ ràng. Huống chi, trả thành để mau định ước, là lệnh quý soái [Dupré]; nhận thành rồi mới nghị hoà, là mạng [lệnh của] vua nước tôi. Chúng ta chỉ nên cần mạng lệnh ấy. Còn như việc Hà Nội giết An Nghiệp [Françis Garnier], cũng như An nghiệp [Françis Garnier] giết Nguyễn Tri Phương, đều là vụ [biến trong] tình hình, không phải chúng ta làm ra. Nay [chúng ta] chưa từng tới nơi [thì] biết việc thế nào. Mà [thật sự chúng ta mới] chỉ [được] truyền nghe, báo khống! [Như vậy] không những quý soái [Dupré] ở xa khó tính trước, mà chúng ta đi chuyến này thiệt là phụ chức trách lắm. Chi bằng phi thơ [:gửi thư] ra Hà Nội, [bảo] đem tàu hoả [:tàu thuỷ chạy hơi nước] nhỏ rước chúng ta tới nơi, [và chúng ta] như nên theo mạng lệnh trước, hội đồng mà làm, thời càng hay; hoặc nên hỏi cớ An Nghiệp [Françis Garnier] vì sao mà chết, rồi sẽ báo. Vậy chẳng ổn tiện lắm sao?” (129) .
Philastre nhận thấy phó sứ Nguyễn Văn Tường nói rất phải lẽ. Y ngẫm nghĩ thêm một thoáng. Cơn giận dữ xen lẫn kinh hoảng cũng vơi nhẹ bớt nhờ sự điềm tĩnh của Nguyễn Văn Tường. Về việc đổi tàu thuỷ, Philastre tính lại, y vẫn thích đi chiếc tàu Đề Ta Gi (Decrès), và có ý định cho chiếc Đát Tờ Gi (D’Estrées) đang chở hai phái đoàn ra quay trở vào Gia Định để báo. Chiếc D’Estrées lớn hơn và chạy nhanh hơn. Philastre nói ra với Nguyễn Văn Tường điều đó.
Phó sứ Nguyễn Văn Tường bàn:
- “Tàu quý quốc đã tới lại lui ra, e sĩ dân nghe tin, ắt bắt chước làm như Hà Nội, [thì đến lúc ấy] ai cấm ngăn được. [Và lỡ sự thể xảy ra,] sợ khi [về] sau tổn hại càng lắm. [Đến thế], lấy gì thưa lại với quý soái? Nay nên khiến tàu Đề Ta Di (Decrès) ra cửa [biển] đón triệt giặc biển, còn chiếc tàu Đát Tờ Gi (D’Estrées) nên cứ chạy luôn tới Hải Phòng. Trước [hết], giao lại thành Hải Dương, hiểu thị sĩ dân để [họ] rõ tình, tin thiệt, rồi [sau đó] qua Hà Nội, giao hết các tỉnh thành, và hỏi việc An Nghiệp [Françis Garnier], xong sẽ chạy giấy [thông] báo cả một lần, mới là trọn vẹn” (129) .
Philastre nghe theo đề xuất bàn bạc của phó sứ Nguyễn Văn Tường. Y cho tàu Decrès chạy đi dẹp giặc biển, cho tàu D’Estrées chạy đến Hải Phòng, lại liền giao lại bốn tỉnh cho quan Đại Nam ta quản lí, trị nhậm, đồng thời y ra lệnh cho bọn quan quân Pháp rút khỏi các thành tỉnh, lui về tạm đóng tại Hải Phòng, và đoàn tàu thuyền Jean Dupuis cũng không thể hạ neo nơi nào khác ngoài Hải Phòng, vốn là nơi quy định. Philastre những trông mong ngày về, và nhất nhất đều theo yêu cầu của phó sứ Nguyễn Văn Tường.
Phó sứ Nguyễn Văn Tường vẫn luôn luôn giữ được thái độ điềm tĩnh trước tình huống khó khăn. Ông vẫn rất khôn khéo, vừa cứng rắn, đưa ra những dự kiến bất trắc, ngầm để cho Philastre bối rối, lo âu, vừa mềm mỏng, đề xuất những giải pháp có lợi và từ đó thuyết phục Philastre nghe theo.
Philastre vốn là một tên thực dân biết điều nhất trong đám thực dân Pháp, lại đã được Dupré dặn dò gần như cầu cứu y trước sự thể Françis Garnier gây ra, nên Philastre không thể gây rối thêm. Trước khi Philastre ra Huế, chính Dupré đã nói riêng với y: “Với những lệnh rõ ràng như thế [từ Paris], làm sao tôi có thể xâm chiếm Bắc Kì được? Tôi không trách nhiệm gì về những việc đã xảy ra trên sông Hồng Hà. Garnier đã quá vượt quyền hạn của anh ta. Tôi chẳng lúc nào cho phép anh ta dùng bạo lực. Anh ta làm tôi nguy mất… Tôi là người hỏng [việc] rồi, và chỉ có anh [:Philastre] mới cứu tôi được thôi” (130) . Sau khi biết Françis Garnier chết mấy hôm, Philastre lại nhận được điện của Dupré. Trong bức điện ấy hẳn có cả điện văn của bộ trưởng Hải quân Pháp Pothuau (?): “Biến cố buồn [về cái chết của Françis Garnier] mà ông báo cho tôi hay [đã] chứng minh những lo âu của tôi đối với phái bộ đi Bắc Kì mà tôi đã không thể chận lại được” (131) . Philastre thấu hiểu tham vọng thực dân của chính đồng bọn của y đã và đang mâu thuẫn, giằng co với ý thức tránh né trách nhiệm. Philastre càng hiểu cuồng vọng xâm lược của bọn chóp bu và tướng lĩnh Pháp đang phải dè dặt, xung đột với tình trạng hiện thời đang hồi suy yếu của chính nước Pháp. Philastre hoàn toàn tỏ ra ngoan ngoãn trong các thoả thuận, một khi đã đạt được mục tiêu hạn chế trong “hoà” ước và thương ước sắp được kí kết! Có nhiều nguyên nhân, xét từ tâm địa, xét từ tình thế khách quan, để Philastre thoả thuận với thái độ như thế.
Tuy nhiên, để thực hiện được sự thoả thuận trao trả bốn tỉnh Bắc Kì ấy, cũng không phải xong ngay trong một thoáng. Có rất nhiều trở ngại, nhất là sự chống đối của bọn Jean Dupuis, bọn thực dân Pháp do Françis Garnier và Esmez cầm đầu, kể cả các cố đạo Pháp, cùng với sự chống đối của bọn cơ hội, Hán gian, Việt gian (“tả đạo”, “phù Lê”…) ở xứ Bắc Kì này!
Ngày mùng tám tháng mười một nguyệt lịch (1873), trong dự định, sẽ là ngày khởi đầu cho tàu Decrès đi đánh dẹp giặc biển, phòng ngừa chúng thừa cơ tấn công, lại gặp thuyền của chúng ghé đậu tại Hải Phòng. Một trận vây áp diễn ra, bọn hải tặc bị buộc phải bỏ thuyền súng, quay về Tàu (132).
Chiếc D’Estrées tiếp tục chở phó sứ Nguyễn Văn Tường và thống sát Philastre cùng hai phái đoàn hai bên đến Hải Dương. Thành đã bị chiếm bởi 01 sĩ quan và 30 tên lính Pháp (133). Đây là tỉnh trước đấy do Đặng Xuân Bảng làm quyền hộ tổng đốc. Nay bọn Françis Garnier đã đặt tên giáo dân “tả đạo” tên Trương, vốn là một gã thợ rèn, làm tổng đốc thay thế (133) . Tên thợ rèn này được trọng dụng bởi y là “tả đạo” và cũng vì y đã rèn cho đội quân tay sai từ một vạn hai (12.000) đến một vạn tư (14.000) tên “lính bản xứ” vô số vũ khí.
Ngụy tổng đốc Trương xênh xang áo mũ, nghênh ngang xe ngựa, hống hét, tác oai tác quái, ngỡ là từ đây vĩnh viễn tham vọng mê muội về một “xứ Bắc Kì Thiên Chúa giáo thuộc Pháp bảo hộ” đã thành hiện thực vững chãi. Bất ngờ Françis Garnier bị chém bay đầu, lại bất ngờ Philastre và Nguyễn Văn Tường đến để tiến hành trao trả, tiếp nhận. Như thế là tất cả tham vọng lại đổ vỡ!
Phó sứ Nguyễn Văn Tường trực nhận và kết luận sau những phân tích, tổng hợp về tình hình: sự phản ứng của bọn “tả đạo” Việt gian… Ông cho quân lính giả dạng dân thường và dân giáo để dò xét, trinh sát. Tin tình báo thu về: tên ngụy tổng đốc Trương đang thất vọng, phẫn uất đến cùng cực, y quyết tâm phá hỏng việc trao trả và tiếp nhận lại thành luỹ, chính quyền, bằng cách bắt cóc phó sứ Nguyễn Văn Tường để làm sức ép, mặc cả và để trả hận (133). Đúng là phản ứng của những kẻ cơ hội bị bỏ rơi, ở trong thế phải chống lại cái chết.
Phó sứ Nguyễn Văn Tường liền bàn việc với Philastre. Trong khi đó, ông đã bí mật thông tư cho tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đem quân ta đến. Bốn trăm (400) quân tỉnh Bắc Ninh, 200 quân tỉnh Hưng Yên cùng với số quân ta tại Hải Dương, tất thảy khoảng một ngàn (1.000) người lính (134). Đó là một lực lượng đủ để chống lại phản ứng cùng quẫn bởi u mê rất nguy hiểm của tên ngụy Trương. Và ngụy tổng đốc “tả đạo” tên Trương liền bị bắt, đem xuống tàu thuỷ giam lại. Tổng đốc thợ rèn phản quốc, tay sai giẫy giụa trong bi hài nhục nhã (134)!
Sau đó, phó sứ Nguyễn Văn Tường tạm đặt quan viên quản trị, trong khi chờ sự bổ nhiệm chính thức của nhà vua (135). Ông chọn ngay nguyên Hải Phòng sung biện Nguyễn Duy Tự, người đồng sự quen thân, vốn là tri huyện Thành Hoá, ở Quảng Trị năm nào, làm quyền sung hộ đốc tạm thay Đặng Xuân Bảng, người đang bị cách chức. Hai viên khác, Nguyễn Hữu Độ và Tạ Hiện, quan của quân thứ Hải – Yên, lại do Pháp đề nghị theo chúng để hỗ trợ việc giao nhận thành. Và trong số quan viên mới của tỉnh Hải Dương, còn có nguyên bang biện Hải – Yên quân vụ Vũ Duy Trinh, nguyên tòng lục phẩm văn giai Lưu Đức Long (135). Vũ Duy Trinh là một viên quan của triều đình, nhưng cũng là một kẻ đáng ngờ. Tuy nhiên tình hình đang cấp bách, chưa thể điều tra kịp (về sau mới phát hiện ra y là một tên giặc quấy nhiễu, cướp bóc, đã quy thuận, giỏi nịnh hót, và hẳn là gián điệp, đội lốt quan chức, chui vào hàng ngũ bộ thần, nhưng không thể có cốt cách sĩ phu! (136)). Vả lại, đây chỉ là tạm phân bổ… Ngày mười hai tháng mười một Quý dậu (1873) ấy, Hải Dương đã lại về ta!
Ngày mười lăm (02.01.1874), chiếc tàu thuỷ D’Estrées lên đến Hà Nội. Nguyễn Văn Tường và Philastre bàn định việc trao trả và tiếp nhận lại hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình (137). Philastre tất nhiên cũng đồng thuận.
Ngày mười tám (05.01.1874), Nguyễn Văn Tường, khâm sai đại thần, đại diện cho triều đình Đại Nam, và Philastre, thống sát, đại diện cho phủ suý Pháp tại Nam Kì, cùng kí kết một thoả ước (138), gồm hai khoản:
Khoản I: “Pháp phải giao trả cho triều đình Huế tỉnh thành Ninh Bình vào ngày 08.01.1874 và tỉnh thành Nam Định vào ngày 10.01.1874”.
Khoản II: “Triều đình Huế: không được đưa thêm quân vào các tỉnh thành đó, ngoài một số quân cần thiết, đủ để giữ gìn trật tự; không được tập trung quân trong phạm vi toàn tỉnh; phải để cho số quân Pháp hiện có lúc đó ở Bắc Kì được đi lại tự do trên các tuyến đường thuỷ cũng như đường bộ; phải ra ngay bản tuyên bố ân xá tất cả những người vừa qua đã cộng tác với Pháp” (138) .
Trần Đình Túc được bàn uỷ quyền lãnh tổng đốc Định – An, Nguyễn Trọng Hợp quyền biện tỉnh vụ Ninh Bình (lẽ ra là Trương Gia Hội). Phó sứ Đại Nam và thống sát Pháp vẫn ở lại Hà Nội để xử lí những việc còn lại (137).
Thấy bước đầu rất cơ bản nhưng đã tạm ổn, phó sứ Nguyễn Văn Tường viết tập tâu đệ trình vào kinh đô Huế. Vua Tự Đức “khen là châm chước thời cơ làm việc khéo” (139) . Nhà vua lại bàn tính việc chính thức bổ nhiệm quan lại bốn tỉnh. Đồng thời vua Tự Đức trao trọn chức phỏng định thương ước toàn quyền đại thần cho Nguyễn Văn Tường. Có điều, theo yêu cầu của Dupré đề đạt ra Huế, việc định ước sẽ bàn sau tại Gia Định. Ngoài ra, Nguyễn Trọng Hợp lại chuyển làm quyền chưởng ấn tổng đốc Hà [Nội] – [Bắc] Ninh. Ông ta sẽ cùng Nguyễn Văn Tường hội đồng làm những việc gì liên quan đến sự vụ ngoại giao. Nguyễn Chính (Chánh) cũng được lệnh rời Thanh Hoá, mang quân về Ninh Bình, Hà Nội để phủ dụ, trấn áp phản ứng cuồng xuẩn của một vạn hai (12.000) tên “lính bản xứ” Bắc Kì phản quốc, tay sai (139) …
Bọn sĩ quan Pháp, binh lính Pháp thuộc quyền của Françis Garnier cứ một mực bảo nhau và thậm chí chúng biểu lộ trước mặt Philastre, rằng Philastre nhận của hối lộ của triều đình Huế (140). Trong việc tranh biện, bàn định trao trả Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì, không ít những lời lẽ, cử chỉ chống trao trả xảy ra. Phải mất đến ba ngày trời mới ổn thoả (140).
Phó sứ Nguyễn Văn Tường và thống sát Philastre liền triệu tập một vạn hai (12.000) tên lính mộ (“lính bản xứ” do Françis Garnier tuyển). Để mở lượng hiếu sinh và khoan hồng, Nguyễn Văn Tường đồng ý cấp phát tiền lương cho chúng, rồi kiểm soát, tịch thu khí giới. Sau đó, cho chúng giải tán về nhà (140).
Việc chia quân đi trấn giữ và tái lập trật tự ở Ninh Bình, Nam Định và Hà Nội do Hồ Uy và Nguyễn Chính đảm trách (141). Nguyễn Trọng Hợp lại đi nhận thành Ninh Bình, do đó, Trương Gia Hội phụ trách nhận thành Hà Nội (141).
Bấy giờ, Jean Dupuis chưng hửng trước quyết định trao trả Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì! Philastre làm như vậy là hầu như xoá sạch hai năm trời gây rối của y, kể cả việc y phối hợp quân với Françis Garnier để đánh chiếm. Jean Dupuis tìm cách gặp Philastre. Sau mấy hôm, Philastre mới cho y được hỏi chuyện và trình bày ý kiến.
- Thưa ông Philastre, tôi muốn hỏi vì sao tàu chiến Pháp lại đốt phá hai mươi tám thuyền chở gạo Bắc Kì sang Hương Cảng (Hồng Kông) ở Cửa Cấm? Số gạo đó đâu chỉ của Hoa kiều, mà còn có vốn hùn hạp của tôi (142).
- Điều đó tôi không được rõ. – Philastre phớt tỉnh –. Nhiệm vụ của tôi là trao trả lại Bắc Kì để định “hoà” ước và thương ước!
- Nhưng phải bồi thường cho tôi chứ! – Jean Dupuis muốn gầm lên –.
- Tôi đã bảo là không rõ!
- Ông phải thương nghị và cho quân bảo vệ tàu thuyền tôi lên Vân Nam!
- Tôi đã bảo là không rõ!
- Thế thì, ông có phải là kẻ đã bán đứng nước Pháp tại xứ Viễn Đông này không? Ông phải hiểu rằng chiếm cứ Bắc Kì là cả một quá trình gian khó hàng chục năm trời của người Pháp, của các cố đạo như Puginier, của các thương nhân như Jean Dupuis này và của các quân nhân như Doudart de Lagrée, Françis Garnier, Balny… Đâu phải khi không có bọn giặc Cờ và bọn thổ phỉ… làm cho Đại Nam suy yếu… – Càng nói, Jean Dupuis càng tiếc bao công sức, nên giọng trở nên lắp bắp –. Ông phải bồi thường, thậm chí phải trả giá!
Philastre thấy cần phải cho Jean Dupuis biết mặt. Y hét lệnh, bảo quân lính Pháp bắt trói Jean Dupuis theo lệnh thiết quân luật. Jean Dupuis đành xuống nước, đổi giọng kêu nài, tuy vẫn còn hung tợn.
“Phi-lát [Philastre] nói”:
- “Người bán than làm chủ cái tiệm than của mình; các quan An-nam là chủ trong nhà của họ; họ không muốn anh đến ở nhà họ thì anh lấy quyền gì mà anh cứ đến, cứ ở?” (143).
“Đuy-puy [Dupuis] nóng tiết lên, hỏi lại”:
- “Nếu tôi đến ở Bắc-kỳ trái với nguyện vọng của người An-nam thì thử hỏi người Pháp tới ở Nam-kỳ có đúng với nguyện vọng của người An-nam không?” (140).
“Lẽ tất nhiên Phi-lát cứng họng, liền đáp”:
- “Chúng ta đến Nam-kỳ với tư cách của kẻ cướp, kẻ trộm. Anh và Gác-nhê [Garnier] cũng là kẻ cướp, kẻ trộm thôi. Nếu Gác-nhê không chết thì hắn sẽ bị truy tố ở toà án quân sự” (143).
“Đuy-puy đòi lấy của triều đình trong các thành để bồi thường cho hắn, thì Phi-lát trả lời rằng, đô đốc Đuy-pơ-rê [Dupré] không có dặn gì về khoản này cả; Đuy-pơ-rê lại bảo cho Đuy-puy xa lánh Bắc-kỳ đi, đi lên Vân-nam đi, đi mà không được đem theo pháo thuyền quân đội như dạo trước”.
“Còn giám mục Puy-gi-nhê [Puginier], từ khi Phi-lát đến với Nguyễn-văn-Tường thì xuống nước hẳn đi, khóc lóc. Ông thổi phồng thêm những chuyện có thật, là các quan và các nhà nho bắt giết người công giáo đã theo Pháp đánh lại đất nước Nam. Ông kể lể cho Ba-lê-zô [Balézeaux] rằng nhiều làng công giáo đã theo Pháp nay bị đốt; thì Ba-lê-zô đáp”:
- “Các quan An-nam cố sức ngăn cản sự trả thù được chừng nào hay chừng ấy, việc xảy ra nào phải lỗi tự họ đâu; người công giáo phải trả cái gì họ đã vay trong lúc Pháp chiếm đóng, đó là lẽ tự nhiên” (143) .
“Puy-gi-nhê than”:
- “Bây giờ các ông lại đổ lỗi cho chúng tôi”. “Tôi đã mất hết uy tín đối với tín đồ công giáo rồi” (143) .
Ngày hai mươi lăm tháng mười một, Quý dậu (12.01.1874), quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội về đóng tại Hải Phòng. Quân và tàu thuyền Jean Dupuis cũng thế. Riêng Rheinart, tham biện Pháp, được đóng ở phố Bình Chuẩn, ngoài thành Hà Nội, với bốn mươi (40) tên lính, với lí do để sẽ trông coi việc thương mại (144). Nhưng phải hơn một tháng bốn ngày sau, Hà Nội mới thật sự được trao trả (16.02.1874), theo thoả ước thứ hai (145) được kí kết, vào ngày 06.02.1874, giữa Nguyễn Văn Tường và Philastre:
Khoản I: “Quân Pháp chỉ rút khỏi thành Hà Nội và giao trả thành Hà Nội cho triều đình [Đại Nam] muộn nhất là mười (10) ngày sau khi triều đình đã bố trí được chỗ cho quân Pháp đóng ở Sở Hải phòng (tỉnh Hải Dương)”.
Khoản II: “Triều đình Huế phải dành cho Pháp một dải đất trên bờ sông Hồng, Hà Nội, để lập Toà Công sứ và doanh trại cho binh lính; nơi đó phải ở gần nơi mà sau này, khi thương ước đã thành, thương nhân Pháp có thể đến đấy lập nghiệp”.
Khoản III: “Giăng Đuy-puy (Jean Dupuis) và những thương nhân Pháp, Trung Hoa cùng đi với Đuy-puy, cũng sẽ phải rời khỏi Hà Nội, đến tập trung ở Hải Phòng và được phép ở lại Hải Phòng cho đến khi có lệnh thông thương”.
Khoản IV: “Riêng đối với Đuy-puy, nếu Đuy-puy muốn ngược sông Hồng lên Hưng Hoá để sang Vân Nam, thì phải đề đạt ý kiến với đại diện của Pháp để đại diện Pháp thông báo cho triều đình Huế; và triều đình Huế không được từ chối. Nhưng, trong trường hợp này, Đuy-puy không được tự tiện trở lại Bắc Kì trước khi sông Hồng được khai thương. Nếu Đuy-puy tự tiện đóng ở những nơi khác, phía Pháp sẽ phải chịu trách nhiệm giải quyết; trường hợp bất đắc dĩ, triều đình [Đại Nam] sẽ điều quân đến đuổi đi” (145) .
Về Jean Dupuis, thế rồi, cuối cùng y cũng bị “khánh kiệt, bị các nhà đương cuộc Pháp bỏ rơi” , mặc dù y tức tối “vào Sài Gòn kêu với suý phủ [Pháp] và đòi tiền phí tổn non một triệu nguyên” (145)! Thật là một cái bung xung bi hài!
Như vậy là đã hoàn tất việc trao trả và nhận lại bốn tỉnh Bắc Kì, kể cả kho tàng, vật hạng. Về các thứ tiền bạc, Philastre soạn giao cho Trương Gia Hội nhận cất (146).
Nhưng trong các làng thôn, phường phố, tình trạng lương – giáo lại bùng lên khốc liệt (147)! Mối bất hoà, căm ghét, kình chống nhau giữa lương và giáo đã âm ỉ – nổ bùng – âm ỉ – nổ bùng từ nhiều năm nay. Đến nay, từ vụ biến gây rối của Jean Dupuis, Françis Garnier, trung châu Bắc Kì nước ta bị thất thủ tỉnh thành, đến việc hai bên trao trả, giao nhận này, mâu thuẫn ấy cơ hồ bộc lộ ra một cách trần trụi, rõ ràng và dữ dội hơn bao giờ hết. Bản chất tay sai của một vạn hai (12.000) tên “lính bản xứ” phản quốc bộc lộ không hề giấu giếm và nay không thể chối cãi. Nhưng đâu chỉ bọn lính mạt hạng ấy! Bọn cố đạo “tả đạo”, cùng những tên cỡ như ngụy tổng đốc Trương mới đáng kể! Giám mục Puginier luôn luôn khôn khéo tránh né bộc lộ bản chất thực dân, tỏ ra không dính líu đến thứ chính trị xâm lược, nhưng tận thâm tâm vẫn nuôi dưỡng các ý nghĩ ghê sợ và vẫn ngầm hoạt động theo ý nghĩ ghê sợ ấy. Những ý nghĩ ghê sợ vốn có ở Puginier trước đó, bấy giờ, nhưng về sau mới rõ ràng trên giấy trắng mực đen:
“Nếu không có thừa sai và giáo dân, thì người Pháp khác nào như những con cua đã bị bẻ hết càng. Ví dụ như vậy tuy mộc mạc song không kém phần chính xác và mạnh mẽ. Thực thế, nếu không có thừa sai và giáo dân, người Pháp sẽ chỉ có địch thủ bao vây; họ sẽ chỉ nhận được những tin tức sai nhầm đưa tới với ác ý, làm bại hoại tình thế của họ: như vậy họ sẽ bị đẩy vào cái thế không hoạt động được gì rồi nhanh chóng phải hứng chịu những thảm họa thực sự. Họ sẽ không giữ nổi vị trí nơi đây, và sẽ bị buộc phải rời bỏ xứ này, nơi quyền lợi cùng cả sự hiện diện của họ sẽ bị nguy hại” (148) …
Ngay những ngày cuối năm Quý dậu (đầu năm 1874), tại Hà Nội, Philastre đã trao cho Nguyễn Văn Tường và các quan ta xem một bức thư của J. Harmand, tên thiếu tá (quan tư), y sĩ, kiêm tỉnh trưởng (tuần vũ) tạm thời của Nam Định gửi Françis Garnier vào ngày 15.01.1874:
“Tôi tiếp tục gặp những người đến viếng liên tục: Người ta sắp hàng hẳn trước cửa nhà tôi, từ bảy giờ sáng đến tối, và tôi buộc lòng phải tiếp tất cả, luôn trong giờ ăn. Đó là những kẻ, đã gom được một số người, yêu cầu được cấp khí giới, đề nghị được làm sĩ quan, thư lại hoặc là yêu cầu được bổ nhiệm tri huyện hoặc chức lớn hơn. Tất cả hoặc hầu hết là giáo dân [Nam Định] và một số lớn từ Ninh Bình tới, được các linh mục giới thiệu. Trong tất cả các trường hợp ấy, các giáo dân tỏ ra tham lam vô sỉ, vừa vụng về vừa ích kỉ. Tôi luôn tìm cách tiết chế lòng hăng hái này vì lợi ích của họ. Tôi muốn bổ nhiệm, nếu được, nhiều người ngoại đạo hơn giáo dân, theo tỉ lệ dân ngoại đạo và giáo dân, trước là để không gây nên một sự bất bình tự nhiên trong nước, sau là bởi vì giáo dân, hầu hết xuất thân hèn hạ, đã không được chính phủ An Nam dùng, không quen việc, hoàn toàn mới lạ với công việc hành chính. Lại nữa, rất ít người trong số họ là trí thức”. […] “Chắc chắn rằng giáo dân (…) đã xem sự có mặt của chúng ta như ngày của sự phục thù” (149) .
Phó sứ Nguyễn Văn Tường nghĩ ngợi trước hiện thực Bắc Kì với những sự thật rất đỗi đau lòng. Ông viết tập tâu đệ trình vào Huế:
“Việc lương – đạo thù nhau, thần đã từng lấy làm lo. Đã cho đạo binh kinh lược [của Nguyễn Chính (Chánh)] đi nhanh để trấn áp và [thông] tư cho các tỉnh bắt giữ, phủ dụ, khiến cho cùng yên… Thần trộm xét sự thế Bắc Kì dần dần sẽ xong, chỉ có việc lương – đạo không yên làm cho các việc nhân đó mà đổi khác” (châu bản, tấu, 05.12 Quý dậu, đầu năm 1874) (150).
“Nay mai việc lương – đạo ở các tỉnh khá yên, chỉ còn lại vài tên côn đồ thì đã có đạo binh của quan kinh lược [Nguyễn Chính] tuỳ cơ tiễu trừ, phủ dụ, ít lâu sẽ xong. Duy thần trộm nghĩ, muốn việc về sau tốt đẹp thì nên xem chuyện lương – đạo là rất quan trọng. Kẻ gánh vác phải có nhiều cách thể hiểu dụ, dạy bảo khiến cho người ta trông cậy ở mình mà không sợ hãi, tin mình mà không nghi, mới có thể cùng quay về điều tốt đẹp” (châu bản, tấu, 05.12 Quý dậu, đầu năm1874) (150).
Philastre lại viết bút đàm trao đổi công vụ với Nguyễn Văn Tường, cũng về sự thế lương – giáo hận thù nhau ấy, vào ngày 20.01.1874:
“Khi các tổng đốc Ninh Bình và Nam Định viết thư vắn tắt cho chúng tôi biết rằng các tỉnh của họ đều yên tĩnh, tôi biết đích thực rằng nhiều làng giáo dân ở đây hàng ngày bị thiêu huỷ và phá hoại” (151).
“Các tổng đốc ấy, thật ra, có gởi lời hoặc văn thư quở trách nhẹ nhàng hành động của nhân sĩ (…). Lời răn đe của họ không được nghe vì không có sự trừng trị sau đó” (151) .
Trong khi đó, triều đình hạ sắc chỉ cho các quan nguyên trước làm việc ở bốn tỉnh, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, văn từ án sát, võ từ lãnh binh trở lên, người nào đã chạy thoát về Thanh Hoá, đều tha cho khỏi bị bắt trói, còn những ai tuỳ tiện trốn tránh nơi vùng giặc chiếm, đều bị trói đem về kinh giam chặt, đợi nghị xử (152). Cấp dưới của các tỉnh ấy, do quan tỉnh mới tiếp nhận, xét nghị (152). Về sau, đến tháng sáu Giáp tuất (1874), các quan đứng đầu bốn tỉnh bị thất thủ đều bị xử từ mức án tử hình tức khắc (trảm, giảo), hoặc chém nhưng được giam để được xét lại (trảm giam hậu), cho làm việc chuộc tội (153)…
Giữa những ngày tháng Hà Nội bị giặc chiếm ấy, phủ Thuận Thành, huyện Gia Lâm (thuộc tỉnh Bắc Ninh) cũng bị Pháp chiếm, giao cho bọn ngụy canh giữ. “Khi ấy dân gian có nhiều kẻ đến lĩnh văn bằng của quan Pháp, ngầm về triệu tập bè lũ quấy nhiễu” (154) . Tán tương Trương Quang Đản kéo quân đến đánh úp, chiếm lại thành, hạ sát năm mươi (50) tên ngụy. Bọn Pháp lại đem quân theo ngụy đến tái chiếm. Cuộc đánh chận do quân ta chủ động diễn ra. Ba trận giao chiến sau đó quân ta đều thắng. Pháp bị tử thương bốn (04) tên, ngụy bị hạ sát đến một trăm rưỡi (150) tên. Tướng ngụy tên Thao chạy trốn sang huyện Kim Anh, bị bắt sống. Đấy là chiến công rất đáng kể của Trương Quang Đản, Nguyễn Giao, và Ngô Văn Tán (liệt sĩ), cùng quân binh thuộc quyền chỉ huy của họ (154).
Ngoài ra, có những cuộc chiến đấu tự vệ, chống ngoại xâm theo truyền thống nghìn đời của chính nhân dân các tỉnh Bắc Kì. Ở Ninh Bình, “máu chảy xuống tới mé sông” (155) . Phủ Nam Sách thuộc Hải Dương trở thành nơi tập kết nghĩa sĩ. Nguyễn Mậu Kiên, Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Bản cũng dựng cờ nghĩa chống giặc tại Nam Định (155). Nhưng sự thật lịch sử ở Bắc Kì chưa bừng sáng những tầm vóc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực với những chiến công lẫy lừng như Nhật Tảo… Cũng chưa thấy tiếng thơ nào hào hùng hoặc bi tráng như Đồ Chiểu…
Thế rồi, thượng tuần tháng chạp Quý dậu (đầu năm 1874), Lê Tuấn và Nguyễn Tăng Doãn đệ gửi tập bản sớ ra Huế, trình bày: Dupré sắp về nước, y cũng đã cử Rheinart ra thay Philastre, mong triều đình chuẩn cho sứ thần Nguyễn Văn Tường sớm về Gia Định với Philastre để cùng sứ bộ định “hoà” ước (156). Vua Tự Đức sai Cơ mật viện mật tư cho Nguyễn Văn Tường:
“Thành Hà Nội mới lấy lại được, việc xử trí còn nhiều điều khoản, [ngươi] ở đấy là có trách nhiệm chưa làm xong. Nếu phái viên mới [Rheinart] đã đến, khoản nào đã xong, khoản nào còn phải bàn sau, hết thảy phải bàn với Hoắc Đạo Sinh [Philastre] cho ổn thoả, để khỏi sinh trở ngại khác. Tất cả việc làm ở bốn tỉnh ấy, quyền phép về ta làm hết, nước [Pháp] ấy không dự gì nữa. Về việc [số] quân [Pháp] được ở lại và người mới đến thay [:Rheinart], nên làm thế nào [thì] cùng xử cho tương đắc, phải cùng viên kinh lược và tổng đốc mới bàn nhau trù tính cho được thoả đáng, phải [thông] tư cho quan tỉnh ấy tuân theo chỉ chuẩn mọi lần [mà] làm cho khéo, rồi sau [ngươi] mới về được. Khi nào [ngươi] cùng đi tàu với Đạo sinh [Philastre] cùng về, cũng nói khéo cho viên ấy tạm ở lại Đà Nẵng, đi đường trạm về kinh, trả lại mệnh lệnh, xin lời [vua] dạy bảo, để tiện đến trong Nam cho kịp việc” (156).
Vua Tự Đức “lại nghĩ bốn tỉnh mới lấy lại được, tình của dân lương, dân đạo còn là khó xử, và việc giặc [Pháp] đặt dân gian [làm chức sắc] cũng thế, [nên nhà vua] lại mật dụ sai [Nguyễn] Văn Tường phải khéo xử, cốt được chóng yên: “Nếu các tỉnh quả đã hơi yên, quan quân [ta] ở, Tàu, Tây [rút] ra hết, hoặc [chúng còn] ở lại [số] ít, [thì] nghĩ bàn xong, mới được về kinh trả lại mệnh lệnh. Còn quan [ngụy] của giặc [Pháp], phải bảo nước [Pháp] ấy bãi [bỏ] hết mới hợp lẽ. Nếu không được thì chỉ tạm để lại một vài chức nhỏ, còn [lại] thì sẽ bỏ. Làm việc nước chỉ nêu rõ người lành, ghét bỏ kẻ ác, dựng nên thói tốt, tiếng tốt, người có tiết nghĩa phải ghi, kẻ bội nghịch phải giết. Phải theo thứ tự làm cho thoả đáng, cho hết kẻ phản trắc”” (157) .
Việc đã gần hoàn tất, khâm sai Nguyễn Văn Tường viết tập tâu đệ gửi vào kinh đô Huế, hẹn vào khoảng cuối tháng (từ hai mươi sáu đến hai mươi bảy tháng chạp Quý dậu) là ngày về. Nhưng tình hình lương – đạo ở Bắc Kì vẫn chưa yên, Nguyễn Văn Tường còn phiền bận xử trí. Gần đây, ông lại ngã bệnh, trong cái rét buốt cuối năm xứ Bắc, nên công việc đành phải chậm lại (158). Trong lúc đó, Dupré sắp hết kì hạn ở Nam Kì, phải về nước, nên y luôn gửi thư hối thúc triều đình định ước cho xong. Tại Gia Định, Lê Tuấn từ lâu đã khá hồi phục, cùng với Nguyễn Tăng Doãn bàn định các điều khoản “hoà” ước mới, gần như đã hoàn chỉnh. Vua Tự Đức vẫn ra dụ bảo Lê Tuấn, Nguyễn Tăng Doãn:
“Lũ ngươi vâng mệnh ra chốn biên giới [:Nam Kì], tất cả việc hai nước giao thiệp, có thể được yên lợi. [Trẫm ] đều chuẩn cho tự ý làm việc. Gần đây lại mới cho sắc ấn toàn quyền. [Trẫm] giao phó, uỷ thác, long trọng biết là chừng nào! Điều ước mới ở trong Nam, các ngươi đã nói trước với tướng Pháp, hoặc [kí kết] ở Gia Định, hoặc đi sang Tây [:Pháp], tưởng nên khéo làm cho xong việc.
Nhưng nay bốn tỉnh, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, vừa mới lấy lại, phải sửa sang nhiều việc. [Trẫm] hiện chuẩn cho phó sứ Nguyễn Văn Tường cùng với thống sát nước ấy là Hoắc Đạo Sinh [Philastre] đem ngay các việc phải làm, xét từng khoản, bàn giao cho phái viên mới là Lê Na [:Rheinart] [để] cùng với bọn kinh lược sứ Nguyễn Chính, tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc làm cho ổn thoả. Bất nhật thống sát nước [Pháp] ấy cùng với Nguyễn Văn Tường trở về Gia Định, tức thì cùng lũ các ngươi bàn nghị cho thoả đáng. Các ngươi nên đợi ít lâu, Nguyễn Văn Tường đến nơi, cùng nhau bàn bạc, châm chước, làm thành điều ước, tiện kịp đóng ấn. Vả lại lần này lời ước [làm] đến lần thứ hai, [thì] nên làm thế nào cho hoà hảo mãi mãi, mà tự ta có thể [được Pháp] đền bù được thiệt hại [bởi] việc gần đây. Các ngươi phải xem cơ tuỳ thế, thận trọng nghìn muôn phần. Nếu phải cùng lập thành điều ước ngay, [thì] nên đem hết ý trí, để trọng lời hẹn thề. Hoặc phải sang Tây mới cùng nhau định ước, thì gặp gỡ cơ hội, chuyển bát bớt thêm, lại nhiều dịp tốt.
Nói tóm lại là điều ước [trẫm] đã chuẩn cho làm, còn có ngăn trở trì hoãn gì mà làm xong hay không xong, đi [Pháp] hay không đi, [là] do tướng [Dupré] nước [Pháp] ấy cùng các ngươi xét rõ lợi hại thế nào mà thôi. Các ngươi nên nghĩ làm hay thôi, so với làm trước, làm sau, đằng nào hơn, mới là chu đáo.
Còn như khoản đặt khâm sứ ở quốc đô [hai nước], chiểu theo phép công đã chép, đầu mối còn nhiều, chưa biết thế nào cho phải. Các ngươi phải nên bàn với tướng [Dupré] ấy. Ở trong điều ước có nói rõ: có nên đặt; chỉ đợi cửa biển ở Bắc Kì đặt lãnh sự trước, sau [đó] một, hai năm đi lại, tình ý [hai nước] thoả hợp, [thì] khi ấy sẽ đặt lãnh sự hoặc khâm sứ ở kinh sư [:kinh đô]. Tuỳ tiện nghĩ làm” (159) .
Ngày ba mươi Tết, tất niên năm Quý dậu, rơi đúng vào ngày 16.02.1874, chấm dứt một năm nhiều biến động, cũng đã đến. Đó là ngày thực dân Pháp trao trả thành Hà Nội. Lúc này Nguyễn Văn Tường vẫn còn ở Hà Nội, và ông đang gắng gượng ra sức làm cho xong việc, trong cơn ngã ốm vào cuối mùa đông rét mướt. Chính trong những khoảng khắc im vắng nhất, trên giường bệnh, ông thấy hiện rõ lên một Bắc Kì tan hoang trong cơn xoáy lốc của những mâu thuẫn:
1. + Việt – Pháp
2. + Lương – giáo
3. + Việt – Hoa
4. + Nam – Bắc (Đàng Trong – Đàng Ngoài).
Ngày tháng vùn vụt nhưng cũng rất đỗi lê thê trôi qua, với những con người, vụ việc, cảnh huống luôn luôn chen lẫn, đan chéo vào nhau, không lớp lang, không thứ tự, như cuộc đời vốn thế. Bỗng dưng, sau một quãng cách để hồi tưởng, phản tỉnh, những ngày tháng ấy trong biến động lớn lao, đau xót của Bắc Kì và của cả nước, lại sáng lên bốn mâu thuẫn gay gắt đó.
Phó sứ Nguyễn Văn Tường còn nhận rõ một mâu thuẫn lớn khác của giai đoạn ông đang sống và hành xử. Mâu thuẫn lớn ấy, dẫu sao, vẫn không ngoài quy luật âm – dương của vạn vật và vũ trụ, vốn tương khắc, tương tác, tương sinh.
5. + Á – Âu!
Đó là mâu thuẫn thứ năm. Năm (05) biểu hiện của quy luật âm – dương!
Nhưng thực tế là máu lửa của tham vọng thực dân, nhằm cưỡng bức, sỉ nhục, nô dịch! Phó sứ Nguyễn Văn Tường thấu hiểu, ông đang đứng trong trận lốc xoáy máu lửa ấy. Và ông thấy rõ, trước đây, chỉ là chiến tranh trong phạm vi giới hạn ở từng khu vực, châu Á Tế Á (Asie), châu Âu Ba La (Europe), châu A Phi Lị Gia (Afrique)… với cách thức của riêng của từng châu lục. Khi vó ngựa đế quốc Mông Cổ giẫm nát châu Âu, chiến tranh cũng chỉ là bạo lực – bạo lực và bóc lột – chống bóc lột một cách đơn giản.
Ngẫm lại suốt lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc, ông chưa từng thấy cuộc chiến tranh nào như như cuộc chiến tranh này. Bây giờ, chiến tranh lại biểu hiện trên khắp mọi lĩnh vực: chiến tranh vệ quốc chống xâm lược bằng súng gươm, và cả bằng văn hoá dân tộc trong việc chống lại “tả đạo” (một công cụ tuyên truyền xâm lược); chiến tranh bằng chính trị, ngoại giao, còn chiến tranh ngay cả trong thương mại…
10
Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì cũng như cả nước vừa trải qua một cái Tết Nguyên đán buồn hận với cả một nỗi đau khó lành lặn. Những âm hưởng của cuộc thất thủ trên vùng đất nghìn năm văn hiến và là nơi sinh tụ đầu tiên của phần lớn dân tộc vẫn chưa dứt. Trên dải đất bắc hữu kì, nhất là ở Nghệ – Tĩnh, địa phận cổ xưa với tên gọi là châu Hoan, châu Diễn của Tổ quốc, vẫn như càng sục sôi căm uất.
“Khi trước xảy ra việc biến loạn về An Nghiệp [Françis Garnier], các hạt Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, đường sông nghẽn, thuyền buôn ít, thuế quan tấn đình bãi. Đến nay điều ước thông thương tạm thành…” (160) nhưng thật sự nhịp sống Bắc Kì chưa thể trở lại bình thường, nếu không muốn nói là còn rất căng thẳng!
Phó sứ Nguyễn Văn Tường đang mệt nhoài trong cơn bệnh cảm sốt, ngỡ đã biến thành thương hàn nhập lí. Nhưng không thể thoái thác được, ông phải gắng sức tự điều trị với sự bắt mạch, bốc thuốc, chăm sóc của các lương y. Bệnh chưa thuyên giảm, ông cũng cố giải quyết nốt những việc còn lại trên đất Bắc: thực trạng lương – giáo phục thù; việc thanh lọc, trục xuất bọn tay sai do các cố đạo và Françis Garnier đưa lên giữ các chức sắc, cỡ như ngụy tổng đốc thợ rèn “tả đạo” tên Trương, hoặc bọn Hán gian cơ hội, bất nghĩa; công tác chấn chỉnh lại guồng máy điều hành từ tổng đốc đến cai tổng…
Nhưng không thể chậm trễ hơn, sau lời dụ cuối năm của vua Tự Đức, nên phó sứ Nguyễn Văn Tường đã cùng Philastre xuống tàu thuỷ vào kinh đô Huế. Ông cũng yên tâm khi biết vào những ngày sắp tới, vua sẽ chuẩn cho bố chính sứ Bắc Ninh Phạm Thận Duật thăng thự tuần vũ Hà Nội để giúp Trần Đình Túc, bởi tổng đốc Hà – Ninh Trần Đình Túc, theo vua Tự Đức nhận định, mặc dù giỏi việc nhưng đã già yếu (161).
Chiếc tàu rẽ sóng trong mưa bụi và gió rét. Càng vào phía nam, càng đỡ rét buốt và đỡ âm u. Nắng đã lấp loáng sáng trên mặt biển biếc.
Đến Đà Nẵng, theo quy định của triều đình, tàu mới được cập bến. Cảng Sơn Trà đã rực rỡ nắng ấm mùa xuân, khiến phó sứ Nguyễn Văn Tường tươi tỉnh lên chút ít.
Hai phái đoàn Việt – Pháp lại đi đường bộ ra lại Huế, bằng kiệu và xe ngựa.
Đến kinh đô Huế, vào một ngày đầu trung tuần, nhà nhà vừa hạ nêu xong, phó sứ Nguyễn Văn Tường chỉ kịp ghé về nhà, lại ngã ra bệnh lại. Sau một ngày đêm thuốc thang, ông lai tỉnh, và lại cố ngồi dậy viết tập tâu dâng lên vua. Trong khi đó, Philastre và phái đoàn Pháp được Bộ Lễ sắp xếp trú lại tại Sứ quán (162).
Phó sứ Nguyễn Văn Tường rất cảm động khi vua Tự Đức cử người đến thăm hỏi. Ông cũng nhân đó đệ gửi tập tâu, với nội dung về tình hình và công việc ở Bắc Kì, trong đó có một ý về Philastre, rằng đó là một người Pháp rất biết điều và có lòng tốt với nước ta (162).
Vua Tự Đức cũng sai các quan Viện Cơ mật – Thương bạc, thường gọi là Viện – Bạc, như Trần Tiễn Thành, đến thăm hỏi Philastre và ban một đạo dụ khen ngợi ông ta. Tính của ông ta vốn thế, thích được những gì có thể lưu giữ làm bảo vật kỉ niệm. Nguyễn Văn Tường đã nhờ linh mục thông ngôn Nguyễn Hoằng thử dò hỏi sở thích của Philastre, và Philastre cũng thành thật muốn có một tấm lụa với nét chữ hoàng đế viết lên đó (162). Chính bức đạo dụ vừa biếu tặng Philastre đã khiến ông ta thấy không có gì quý báu hơn. Nhưng vua Tự Đức cũng còn ban cho Philastre những tặng vật được thực hiện bằng kĩ nghệ kim hoàn tinh xảo khác (162).
Phó sứ Nguyễn Văn Tường chỉ kịp viết một bản tập tâu và đề xuất khen thưởng ngoại giao thì lại ngã bệnh nặng. Không cách nào khác, ông dâng sớ xin vua Tự Đức chọn người khác thay ông làm phó sứ, để cùng Philastre vào Gia Định bàn định “hoà” ước và thương ước. Vua liền dụ bảo:
“[Bản] ước mới với sứ [thần] nước Pháp chưa định, [đó là] điều trẫm rất lấy làm lo. Ngươi làm việc sứ thần, phải mưu tính về sau… Đặc cách ban cho sâm quế ngự dụng [:của vua dùng]…” (163).
Vua Tự Đức còn xuống dụ sai thầy thuốc điều trị cho Nguyễn Văn Tường chóng khỏi, với sự ban cấp thuốc thang đầy đủ, kể cả thuốc bồi bổ: sâm Cao Ly hạng lớn, mười lăm (15) chỉ; quế Thanh Hoá hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, mỗi thứ hai phiến (163)… Phó sứ Nguyễn Văn Tường hết sức xúc động, vì ông thừa hiểu, việc hoàng đế ban dụ sai thầy thuốc chữa bệnh cho một viên quan chức là cả một ân sũng lớn, hiếm thấy.
Nhờ vậy, sớm được hồi phục sức khoẻ, Nguyễn Văn Tường lại xuống tàu cùng Philastre vào Gia Định.
Hôm hai phái đoàn lên đường, quan Viện – Bạc tiễn chân theo lệnh vua, với lời vua gửi theo, dặn dò Philastre cố giúp cho thành hiệp ước (164)!
Lúc phó sứ Nguyễn Văn Tường lên đường vào Nam Kì rồi, vua Tự Đức lại băn khoăn về phía Bắc, liền ra sắc chỉ cho kinh lược sứ Nguyễn Chính (Chánh), bảo nên theo cách của Nguyễn Văn Tường, là khéo dùng thổ hào, thu thập thổ dõng và khi đã biết khéo thu dùng như thế, thì không lo gì không kiềm toả, chế ngự được trộm cướp và nhất là xung đột lương – giáo, hiện vẫn còn đang gay gắt, thậm chí rất gay gắt (165)…
Vào tối ngày rằm tháng giêng năm Tự Đức thứ hai mươi bảy, Giáp tuất (03.03.1874), chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước mang tên D’Estrées chở phó sứ Nguyễn Văn Tường, thống sát Philastre, linh mục thông ngôn Nguyễn Hoằng cùng nhiều viên tuỳ tùng khác đến Sài Gòn (166).
Cũng trong những ngày trung tuần tháng giêng ấy (167), vua Tự Đức nhận được bản sớ của tổng đốc An – Tĩnh Tôn Thất Triệt về việc khẩn cấp: Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ An từ lâu đã khởi xướng phong trào “Bình Tây sát tả”, nay phong trào ấy, sau sự biến thất thủ Hà Nội và thất thủ các thành tỉnh khác, đã nổ bùng dữ dội!
Vua Tự Đức liền xuống dụ:
“Về việc dân lương – dân đạo, triều đình nhiều lần dụ bảo thiết tha. Thế mà thân sĩ tỉnh Nghệ An riêng giữ [ý kiến], bàn ngang, không hiểu việc biến đổi ở đời, như bọn Tấn, Mai lấy tiếng là giết người theo đạo mà mê hoặc mọi người làm loạn. [Cho nên, quan quân] phải nên đánh giết ngay, chớ để lan thêm ra…
… Triều đình dẫu muốn khoan dung, cũng không thể được, tất đến tan cửa nhà, mất cơ nghiệp, sao bằng cùng ở yên, không sinh sự với nhau, đều thoả đời sống là bằng phẳng êm đẹp. Huống chi đều là đất của vua, đều là dân của vua, đạo giáo dù khác nhau [Nho – Thiên Chúa, lương – giáo] nhưng mạng người thì giống nhau, sao nỡ tự tàn hại nhau, tự bóc lột của cải của nhau…” (167) .
Những ngày rằm đầu năm Giáp tuất (1874), tại Gia Định, trong khi “hoà” ước do chánh sứ Lê Tuấn, tham biện Nguyễn Tăng Doãn và Prioux khởi thảo (168), chỉ mới thành dạng bản, chưa kịp bàn định nốt để kí kết, phong trào “Bình Tây sát tả” ở Nghệ – Tĩnh đã nối lửa từ Bắc Kì, bùng lên chưa từng thấy!
Lương – giáo quả đã lao vào một phen quyết chiến máu đổ thịt rơi trên đất “Hoan, Diễn do tồn thập vạn quân” ! Vâng, Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn còn mười vạn quân sẵn sàng chiến đấu! Và cả Thanh Hoá phía cực bắc hữu kì, Quảng Bình phía nam, vốn là hữu trực kì, cũng thật sự vào trận. Tuy nhiên, tiếc thay, đấy là cuộc chiến tranh giữa hai lực lượng nhân dân. Đấy là một cuộc nội chiến đẫm máu, lan rộng trên bốn tỉnh Bắc Miền Trung. Kẻ thù đích thực là thực dân Pháp và bọn cố đạo mang bản chất thực dân lại hầu như không một tổn thất bé nhỏ nào: không một tên nào bị thương hoặc chết!
Hết tệp 4 truyện kí thứ 7
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 7 vào lúc 11 giờ kém 05,
ngày 09.11.2002
(05.10 Nh. ngọ, HB.2).
TRẦN XUÂN AN
(128) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 355.
(129) Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu (QTCBTY.), (Cao Xuân Dục chủ biên; ban biên soạn gồm: Trần Đình Phong, hiệu chính, Đặng Văn Thụy, Lê Hoàn; ban biên tập gồm: Nguyễn Đức Lý, Nguyễn Tư Tái), bản dịch tiếng Việt của chính Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hoá, 1998, tr. 502 – 504; ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 355 – 356.
(130) NTP., sđd., 1974, tr. 219.
(131) NTP., sđd., 1974, tr. 219.
(132) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 356.
(133) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 356.
(134) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 356.
(135) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 357.
(136) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 169 – 170.
(137) Bản dịch lược ý: Dương Kinh Quốc, VN.NSKLS, tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 159 – 160. Xem nguyên văn tiếng Pháp: NTP., sđd., 1974, tr. 277 – 280.
(138) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 357.
(139) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 357 – 358.
(140) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 359.
(141) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 359.
(142) CXL., sđd., 2001, tr. 317.
(143) Jean Dupuis, Les Evènements du Tonkin, dẫn theo CXL., sđd., 2001, tr. 317 – 318 (lời dẫn gián tiếp và trực tiếp của GS. Trần Văn Giàu, gồm cả các câu in theo kiểu chữ đứng, được đặt trong dấu ngoặc kép, ở đoạn này).
(144) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 359.
(145) Bản dịch lược ý: Dương Kinh Quốc, VN.NSKLS, tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 159 – 160. Xem nguyên văn tiếng Pháp: NTP., sđd., 1974, tr. 277 – 280. Về kết cuộc của Jean Dupuis, xem: NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 90; VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 517 – 518.
(146) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 359.
(147) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 360.
(148) L.E. Louvet, Vie de mgr. Puginier, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 82.
(149) AOM. Aix, Amiraux 11689 (32), dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. &TH., UB.KHXH.TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 237 – 238.
(150) Dẫn theo: Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, bài “Nguyễn Văn Tường qua châu bản triều Nguyễn” của Trần Viết Ngạc, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, tr. 216; bài dã dẫn, tạp chí Xưa & Nay, số 100, tháng 9.2001, tr, 14 – 16 xem tiếp tr. 32.
(151) AOM. Aix, Amiraux 11689 (41), dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 238.
(152) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 361.
(153) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 63 – 68. Về sau, đến tháng mười năm Bính tí (1876), số quan thất thủ và đầu hàng này được giảm án, cho đi làm việc chuộc tội ở các quân thứ biên giới Bắc Kì. Xem danh sách ở ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 340.
(154) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 361 – 362.
(155) CXL., sđd., 2001, tr. 310 – 313.
(156) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 362 – 363.
(157) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 363.
(158) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 368.
(158) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 369 – 370.
(160) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 6.
(161) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 9.
(162) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 8.
(163) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 9.
(164) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 9.
(165) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 9 – 10.
(166) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 10; NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 485.
(167) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 10 – 11.
(168) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 482.
Soạn xong phần chú thích
lúc 09 giờ 25 phút, ngày 14.11.2002
(10.10 Nh. ngọ, HB.2).
TRẦN XUÂN AN
HẾT TỆP 4
(PHÂN ĐOẠN 4 TRUYỆN KÍ THỨ 7)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”
Xin xem tiếp TỆP 5
(Phân đoạn 5 truyện kí thứ 7)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”
0 Comments:
Post a Comment
<< Home