TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II A)

Monday, December 12, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II A)

Tệp 1 - Tập II
(phân đoạn 1, truyện kí thứ 7)
tiếp theo tập I
http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/
…1b … & …1c …

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)


truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử
TẬP II
(trọn bộ 4 tập)


bản sơ thảo hoàn chỉnh, 10.2002
bản tự nhuận sắc, 02.2004


NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP. HCM.
2004
(trong bản đã xuất bản,
có gác lại một số đoạn chú thích)

HAI MƯƠI LĂM THÁNG MƯỜI
HAI KHÔNG KHÔNG HAI
(HAI MƯƠI THÁNG CHÍN NHÂM NGỌ
NĂM THỨ HAI CÔNG NGUYÊN HOÀ BÌNH)


TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH
TRÂN TRỌNG VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN


Tác giả,
TRẦN XUÂN AN
71B Phạm Văn Hai
(cửa hiệu Phan Huyên)
Phường 3, quận Tân Bình
Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT.: [08] 8453955
& 0908 803 908

Khởi viết từ 08 giờ 39 phút, ngày 25.10.2002
(20.9 Nhâm ngọ, năm thứ hai công nguyên Hoà Bình);
Tạm hoàn tất tập II vào lúc 17 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2),
tại thành phố Hồ Chí Minh.



Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

Trần Xuân An,
hậu duệ thế hệ thứ năm.


Xin tạ ơn ngọn bút,
biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.
Xin yêu thương, trân trọng
và bảo vệ
từng dòng chữ mồ hôi nước mắt
của chất xám và trái tim.

TXA.



PHẦN THỨ TƯ
(1873 – 1880)


TRẦN XUÂN AN

CƯỠNG ƯỚC “HỮU NGHỊ”
VÀ CƯỠNG ƯỚC THƯƠNG MẠI,
GIÁP TUẤT 1874


Truyện kí thứ bảy
(phân đoạn 1)

1

Tháng sáu nhuận lại khởi đầu với những ngày nắng chói chang. Quảng Trị quê nhà chói rực nắng đến nhức mắt. Nắng nóng ngay từ lúc hừng sáng trên biển đông phía Cửa Việt, và gió, gió nam lửa từ phương tây phía Lào, suốt ngày đêm thổi gắt, khiến ruộng đất nứt nẻ. Phó sứ, tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Tường cùng những người trong sứ bộ, trong đoàn tuỳ tùng chuẩn bị vào Gia Định trong cái nắng xứ Huế dữ dội không kém gì ở Quảng Trị.
Với quan niệm thiên, địa, nhân nhất thể và cảm ứng lẫn nhau, quan quản đạo Tôn Thất Trường đã sáu lần lập đàn cầu mưa, nhưng chỉ được mưa nhỏ (một cách ngẫu nhiên!). Quan phủ doãn kinh sư Nguyễn Hanh cũng lập đàn cầu mưa cho cả Thừa Thiên và Quảng Trị trong niềm tin về Trời. Trời như một thực thể lí và khí, không nhân dạng, nhân hình, không hề nói gì và chẳng bao giờ nói gì, cứ vận hành theo quy luật, nhưng có thể cảm ứng với Đất, với Người. Người không hại người, không hại đất, không hại trời, và cũng như thế, không yếu tố nào làm hại yếu tố nào, đó là nhân của quả thái bình. Nhưng Con Người, mỗi người là một tiểu vũ trụ, vẫn là chủ thể của chuỗi tương tác bất tận ấy. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, ba yếu tố trong nhất thể, tương tác theo luật nhân quả với quan niệm biện chứng tâm linh!

“Thiên hà ngôn tai
Tứ thời hành yên
Vạn vật sinh yên
Thiên hà ngôn tai”

Trời nói gì đâu!
Bốn mùa vần trôi
Vạn vật sinh sôi
Trời nói gì đâu! (1)


Trời, tạo vật ư? Khổng Tử đã chẳng viết về ý niệm Trời và quy luật vận hành, sinh sản của vạn vật như vậy đó sao!
Và đôi khi, rất ngẫu nhiên, trời cảm động, chuyển mưa, như Quảng Trị đang mưa! Quan phó sứ Nguyễn Văn Tường đã thấy trời xứ Huế mát dịu hẳn lại nhờ những cơn mưa nhỏ ở quê nhà Quảng Trị (2).
Nhưng tình hình chính trị không mát dịu chút nào!
Ở Hà Nội, Jean Dupuis vẫn liên kết với suý phủ Pháp tại Gia Định qua trung tá Senès, kẻ đang đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng tàu Bô Liên (Bô Len, Bourayne), vốn trước đây đã được Dupré phái ra ngoài ấy, để quyết buộc triều đình Huế phải mở cửa biển, phải khai thông tuyến sông Hồng lên Vân Nam (Trung Quốc), nhằm mục đích cho chúng tiến hành việc buôn bán muối và vũ khí cho Vân Nam. Jean Dupuis đã quá vất vả mấy năm nay vì phải chuyên chở vũ khí theo một con đường rất xa và rất khổ nhọc trên lưng ngựa thồ, từ cửa biển Trung Hoa vào Vân Nam phải mất đến sáu tháng ròng rã (3)! Nay làm sao y chịu lỡ mất thời cơ để khai thông tuyến đường thuỷ sông Hồng: Hải Phòng – Vân Nam! Phủ suý Pháp tại Gia Định cũng thế! Tất nhiên, tham vọng của chúng không chỉ thế! Âm mưu này, Jean Dupuis, Doudart de Lagrée, Françis Garnier đã toan tính và chúng đã thực hiện các bước thăm dò, khảo sát thực địa ít ra từ tháng sáu, năm Tự Đức thứ hai mươi (1867), hồi Nguyễn Văn Tường còn là bang biện Thành Hoá (Quảng Trị). Một âm mưu đã toan tính, rắp tâm lâu dài đến thế, nay chúng không thể không làm sức ép tại Hà Nội, bằng mọi cách, kể cả việc khiêu khích, gây biến.
Nguyễn Văn Tường, Lê Tuấn được triều đình điều động từ Bắc Kì về kinh cũng vì sự thể đó. Sứ bộ được thành lập với sự bổ sung Nguyễn Tăng Doãn. Đến lúc này, tình hình càng gay gắt thêm, nhưng sứ bộ cũng chưa kịp xuống tàu thuỷ vào Nam đàm phán!
Thư của Nha Thương bạc đã tống đạt vào tên tướng thực dân Dupré: “[Đồ] Phổ Nghĩa [Jean Dupuis] ngang ngược bừa bãi. Chiểu theo hoà ước [Nhâm tuất 1862], [y và Senès] rất cùng trái lắm. Xin sức cho thuyền ấy tuân theo hoà ước, rút về” (4) .
Quan khâm mạng Nguyễn Tri Phương biết tin tướng suý Pháp ở Gia Định đã gửi thư cho Đồ Phổ Nghĩa, bảo y phải rút khỏi Hà Nội (5). Nhưng ông biết rõ đó chỉ là một bức thư giả vờ, một động tác giả, nhằm đối phó với triều đình Huế, tuy viết như thế nhưng vẫn có chỉ thị mật với nội dung ngược lại. Dẫu là thực dân, nhưng bọn Pháp vẫn cố gắng tránh được chừng nào hay chừng ấy sự trắng trợn vi phạm “hoà” ước Nhâm tuất 1862. Chúng vẫn muốn lừa giáo dân nước ta và để các cố đạo thực dân dễ ăn nói! Vì cố che giấu dã tâm, bọn Pháp mượn tay tên lái buôn người Pháp làm việc cho thực dân Anh gây hấn. Trên danh nghĩa, Jean Dupuis không phải là người của Pháp suý Gia Định, cũng không phải nhân viên đặc phái của chính phủ Cộng hoà Pháp! Thuyền trưởng Senès của tàu Bourayne cũng chỉ mượn chiêu bài đánh dẹp hải tặc theo “hoà” ước Nhâm tuất 1862! Nói chung, ở Huế, phó sứ Nguyễn Văn Tường thừa biết chúng vẫn cố “lấy vải thưa để che mắt thánh” chừng nào còn che được! Ông biết chuyện quan khâm mạng Nguyễn Tri Phương đã cho mời y đến để thử lại nước cờ của bọn Pháp. Quan khâm mạng hỏi Jean Dupuis:
- Ông đã nhận được thư của ngài Pháp suý Gia Định? Bản chức đã được triều đình bản quốc thông tư, rằng tướng Du Bi Lê (Dupré) đã gửi thư yêu cầu ông phải rút khỏi Hà Nội và rút khỏi bất kì nơi đâu trên lãnh thổ Đại Nam. Bản chức muốn được nghe lời cáo biệt của ông!
- Thư nào? Thư yêu cầu như thế ư? Ồ, vâng, tôi có nhận được. Tuy nhiên, ơ hay, việc gì tôi phải tuân lệnh tướng Dupré! Tôi là thương gia, đâu phải sĩ quan của Pháp, cũng chẳng là nhân viên Chính phủ Pháp, thưa ngài! Cho nên, lá thư của tướng Dupré không buộc tôi “cáo biệt” Bắc Kì này được!
Quan Vũ hiển điện đại học sĩ, khâm mạng đại thần, kinh lược sứ Bắc Kì Nguyễn Tri Phương nén giận trước sự man trá, giảo quyệt của Jean Dupuis. Nếu chỉ y, cho dẫu quân của riêng y đến mấy trăm tên, kể cả lính của tổng đốc Vân Nam, với số vũ khí lên đến bảy nghìn (7.000) cây súng, ba mươi (30) cỗ đại bác và vô số đạn dược (6), thì đâu khó gì mà quan triều đình dưới quyền Nguyễn Tri Phương không đuổi y được! Thật ra, triều đình Huế và quan khâm mạng thừa biết, sau lưng tên Jean Dupuis quỷ quyệt này là cả nước Pháp và liên quân các nước Âu Mỹ!
- Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis)! Bản chức thừa biết ông chỉ là cái bung xung, cái ngòi nổ cho tướng Pháp và cả nước Pháp mà thôi! Nhưng dẫu sao mặc lòng, lá thư của suý phủ Pháp Du Bi Lê (Dupré) là có thật! – Quan khâm mạng họ Nguyễn cẩn trọng thử thêm một lần nữa –. Nếu ông không tuân lệnh tướng Du Bi Lê (Dupré), thì ông rơi vào trường hợp đơn phương vô cớ xâm phạm lãnh thổ của nước Đại Nam chúng tôi, hẳn sẽ nguy to cho ông đấy!
- Thưa ngài, – Jean Dupuis cười khẩy –, tôi chỉ là một thương gia. Tôi xin lặp lại yêu cầu: Ngài hãy cho khai thông tuyến sông từ Hải Phòng lên Vân Nam, và bỏ lệnh cấm buôn bán muối cho miền nam Trung Quốc. Ngài không thấy đoàn tàu thuyền của tôi treo cờ có chữ “Mã” (7), họ của đề đốc Vân Nam, Trung Quốc đó sao! Đại Nam là thuộc quốc của Trung Hoa, ngài không tuân hành sao? Hay ít ra cũng nể vì lá cờ có chữ “Mã” trên đoàn tàu thuyền của tôi chứ?
- Ông Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) này! Ông nhầm to rồi! Nước Đại Nam chúng tôi là một nước độc lập, tự chủ, giữa Việt – Hoa không phải “ra lệnh, tuân lệnh” với nhau được! Triều cống chỉ là xã giao, hữu nghị, “hậu vãng bạc lai”!
Thật lòng, Jean Dupuis cũng hơi ngạc nhiên, nhưng liên hệ với vốn liếng thực tế mà y thu thập được, y thấy quan khâm mệnh Nguyễn Tri Phương nói đúng: người Trung Quốc không có quyền xuôi thuyền trên sông Hồng ngang qua Bắc Kì, và miền nam Trung Quốc cũng không được mua muối Bắc Kì như y đang cố khai thác mối lợi trước mắt khá ngon ăn này. Ngẫm nghĩ một lúc, Jean Dupuis nói:
- Chỉ có mỗi một liên quan giữa tôi với nước Pháp là quốc tịch tôi đang mang. Tôi sẵn sàng bỏ quốc tịch Pháp (5), và sau đó sẽ tìm kiếm một nước Âu Mỹ khác, để đạt cho bằng được mục tiêu mở tuyến đường thuỷ sông Hồng, tức là sông Cái hoặc còn gọi là sông Kói này! Tướng Dupré làm gì tôi tốt nào! Mặc xác cái “hoà” ước Nhâm tuất 1862 của nước Pháp với nước Đại Nam! – Jean Dupuis không ngờ y đóng kịch đạt đến thế –.
Ở kinh đô Huế, phó sứ Nguyễn Văn Tường để tâm theo dõi tình hình ở Bắc Kì. Ông đã đọc rất kĩ các tập tâu của Nguyễn Tri Phương đệ gửi vào vua Tự Đức. Trong tập tâu gần đây nhất của quan Vũ hiển, kinh lược sứ, Nguyễn Văn Tường thấy rõ nhận định của Nguyễn Tri Phương về Jean Dupuis: “Lời nói nhiều điều doạ nạt” (5)! Nguyễn Văn Tường vốn trầm tĩnh, cũng không thể nén giận!
Trong những ngày thượng tuần tháng sáu nhuận năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873) này, phó sứ tạm hàm tham tri Bộ Lễ còn nhận được thông tin về mối quan hệ giữa cố đạo Nghệ An Gauthier (Ngô Gia Hậu, thầy của Nguyễn Trường Tộ) với Jean Dupuis. Chính tổng đốc Nghệ An Tôn Thất Triệt tâu báo, quân thám báo đã nhặt được thư Jean Dupuis trả lời giám mục thực dân Gauthier (5), với nội dung nói về việc góp vốn buôn bán từ Bắc Kì lên Vân Nam! “Buôn bán” những gì? Đã quá rõ! Hãy nhìn những thùng vũ khí hiện đại và muối biển trên tàu thuyền của y đang buông neo tại Hà Nội! Vua Tự Đức xác nhận : “Việc ấy sự tất có đến thế” (5)! Đó là xác nhận sau khi điều tra thủ bút! Ngay lập tức, nhà vua sai quan Thương bạc viết thư cho suý phủ Pháp tại Gia Định, đồng thời “lại sai sao bản dịch của tỉnh Nghệ An, mật giao cho Nguyễn Tri Phương và các quan tỉnh ở Bắc Kì, [dặn] hết lòng phòng bị, cần phải mười phần [phòng thủ] vững bền, để ngăn ngay từ đầu” (5) âm mưu trong mối quan hệ giữa “tả đạo” Nghệ An với tên lái buôn Jean Dupuis! Nguyễn Văn Tường biết ngay, nếu sự biến xảy ra, sẽ không chỉ ở Bắc Kì (từ Ninh Bình trở ra) mà cả Nam Đàng Ngoài (Thanh – Nghệ – Tĩnh)! Và ông nhận thức nhiệm vụ đàm phán sắp khởi hành thật không dễ dàng chút nào! Không chiến tốt, không thủ tốt, làm sao có thể đàm cho thắng lợi? Từ năm năm trước, ông chẳng dâng sớ lên vua Tự Đức với mục đích vạch trần âm mưu thực dân Pháp cố lừa ta ngồi vào bàn “hoà” nghị để phải kí thêm “hoà” ước mới, nhượng đứt bằng cách hợp thức hoá chủ quyền cho chúng ba tỉnh Miền tây Nam Kì mà chúng đã chiếm đoạt từ năm Bính dần (1867)! Gần đây tình hình càng bi đát hơn, bi đát đến mức triều đình và vua Tự Đức bỏ vuột mất thời cơ khi chiến tranh Pháp – Phổ 1870 – 1871 nổ ra với sự thất bại thảm hại của Pháp! Phân tích tình hình, tương quan lực lượng, Nguyễn Văn Tường thấy Pháp đang suy yếu, mới gắng phục hồi trong vỏn vẹn hai năm gần đây, nhưng đến nay ta thật sự cũng sức cùng lực kiệt bởi bọn giặc Cờ và phỉ Bắc. Thời điểm này, chúng vẫn muốn gây chiến để ép ta ngồi vào bàn hội nghị và có khả năng gây loạn lạc khắp Đàng Ngoài (từ Hà Tĩnh trở ra)! Phó sứ Nguyễn Văn Tường thật lòng rất băn khoăn, ngần ngại, nhưng không biết sẽ làm thế nào!
Lại được tin thêm về việc cố tình gây rối của Jean Dupuis! Tên thực dân lái buôn này bất chấp mọi can ngăn, thuyết phục, kể cả việc chỉ rõ vai trò bung xung, ngòi nổ mà y đang bị lợi dụng, y vẫn tiếp tục cho tàu thuyền lên đến thượng du tỉnh Hưng Hoá, tìm cách móc nối, ngầm thông với bọn giặc Cờ vàng Hoàng [Sùng] Anh (8)! Quan tuyên sát đổng sức đại thần Nguyễn Tri Phương ra mật lệnh cho các nơi canh phòng nghiêm mật, lại phái viên ngoại lang tuỳ phái Trần [Thúc] Nhượng đến các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương khám xét, đốc thúc việc canh gác, phòng thủ các đường sông hiểm yếu (8).
Như vậy, ngày càng rõ ràng là tên bung xung lái buôn muốn thực tâm gây hấn, theo lòng thực dân hám lợi của y và của Chính phủ Pháp lẫn của suý phủ Pháp tại Gia Định. Như thế, không nghi ngờ gì nữa, từ đầu năm ngoái (1872), Jean Dupuis về Pháp để mua vũ khí, tiếp tục thực hiện kế hoạch “chở súng đạn cho người Tàu đánh nhau” (9), cho bọn giặc Cờ quấy rối nước ta, từ năm, bảy năm trước. Lúc đến Paris, y có tiếp xúc với cả bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp Pothuau (10). Pothuau tuy dè dặt nhưng cũng “giới thiệu” y cho thiếu tướng D’Arbaud, kẻ đang đảm nhiệm thay chức vụ thống đốc Nam Kì trong thời gian Dupré nghỉ phép (10). Thật ra, đó là tấn tuồng che giấu âm mưu xâm lược Bắc Kì!
Tháng sáu nhuận, Quý dậu (1873) năm nay, dù ngoài quê nhà Quảng Trị đã mưa được vài cơn mưa nhỏ, làm dịu gió nóng, nắng lửa, ở kinh đô Huế cũng vẫn chỉ dịu bớt phần nào. Nhưng tình hình chính trị vẫn không hề giảm nhiệt độ, lại đang tăng lên từng ngày một, bởi chỉ một tên “lái buôn” bung xung Jean Dupuis!
Ngày mười sáu tháng sáu nhuận (08.08.1873) ấy, sứ bộ đã phải xuống tàu hơi nước để lên đường (11)!
Thuyền Mẫn Thoả dẫn đầu, tiếp sau là thuyền Viễn Thông (11)! Hai chiếc thuyền hơi nước đưa sứ bộ và đoàn tuỳ tùng vào Gia Định trên sóng biển không hề lặng sóng…
Lên tàu, ngoảnh lại, quan phó sứ Nguyễn Văn Tường thấm hiểu tình hình Bắc Kì ngày càng nóng lên, đến mức bức bối. Thêm vào đó, ở Bình Định, tổng đốc Ngãi – Định Hoàng Văn Tuyển lại tâu xin cho mở lò tư nhân để đúc tiền, tất nhiên dưới sự kiểm sát của quan chức. Vua thấy cũng tiện, chuẩn y. Nào ngờ khách buôn người Hoa nước Thanh liền chở tiền giả (tiền sềnh) đúc từ Tàu sang, thông đồng với chủ lò Hoàng Đình Quan (12)! Tiền giả! Tiền sềnh! Tiền giả! Tiền sềnh! Lại một nguy cơ lan tràn phải chận đứng! Lò đúc tiền ngay lập tức bị dẹp bỏ, có điều nhiệt độ thời sự lại càng bị nung đốt! Nhiệt độ lại nung đốt thêm cũng do vụ Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ bất tuân tướng lệnh của hai vị quan Vũ hiển Nguyễn Tri Phương, thống đốc Hoàng Tá Viêm, phải bị cách chức, bị trói, dẫn độ về kinh đô chịu nghị xử! “Trước đây, bọn giặc vây bức đồn Phong Đăng, quan khâm mạng Nguyễn Tri Phương, thống đốc Hoàng Tá Viêm muốn nhân lúc [giặc] bỏ trống, đánh úp lấy sào huyệt giặc ở Đại Đồng, giục ngay phải tiến đến đồn để tiếp việc. Bọn Ích Khiêm lấy cớ giặc nhiều, đường hiểm, từ chối, lại đều lấy bệnh tình, đóng lùi lại. Bọn Tri Phương cho là mượn cớ để ở lại, ngại khó, chọn thuận tiện, làm tập tâu hặc tội. Vua chuẩn cho lập tức bắt trói đưa về kinh, giao đình thần nghiêm nghĩ. Đến nay án nghĩ xử: Bọn ấy tiến hay ở lại, tự do, không theo lệnh tướng, xin cách chức cho làm việc chuộc tội. Vua chuẩn y án nghĩ, phát đi theo sai phái ở quân thứ Tuyên Quang” (13). Và tin Ngụy Khắc Đản chết vì bệnh (14)! Những nguồn tin ấy, qua những nơi tàu cập bến, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, sứ bộ đều được trung sứ (sứ thần giao liên giữa triều đình với sứ bộ) trình báo!
Chỉ một thoáng mưa mát dịu là khi nhận được thông tin về huyện Thành Hoá (thuộc Quảng Trị). Ấy là khâm phái Phan Khắc Kiệm đến chín châu mường, châu bạn thuộc huyện để uỷ lạo, cấp vải muối, mặc dù Lào đã chiếm lại ba châu (15)!
Cuối tháng sáu nhuận đó, kinh đô Huế mới tràn ngập một trận mưa thật lớn, thấm đẫm đất trời (2). Tuy nhiên, bấy giờ, lúc một giờ sáng ngày hai mươi ba nguyệt lịch, sứ bộ đang lâm vào cảnh vất vả vì hệ thống nồi hơi nước của tàu thuỷ bị nổ (16). Tàu ngập tràn nước sôi, sôi sùng sục, bốc khói nóng bỏng, sôi và bốc khói cả khi nước đã tràn ra khắp hầm tàu! Tàu thuyền phải lênh đênh nổi trôi theo sóng gió ở Hòn Khô (thuộc Bình Định) và suýt mắc cạn ở đấy (16)! Nửa đêm hai mươi bốn, theo lệnh của chính sứ Lê Tuấn, viên lính tên Hiền và viên suất đội Linh chèo thuyền đi trưng dụng các thuyền đánh cá dọc bờ biển để kéo tàu. Sáng hai mươi lăm, phó sứ Nguyễn Văn Tường cùng tham biện Nguyễn Tăng Doãn và vài viên tuỳ tùng khác vào làng Đông Lương trưng dụng thêm mười tám thuyền đánh cá của các làng phụ cận để hợp sức kéo tàu vào bờ. Mãi đến tám giờ tối, tàu mới vào đến bãi Vũng Tồ để buông neo, tìm cách chữa lại hệ thống nồi hơi nước (16)!
Trong khi đoàn thuỷ thủ đang ra sức chữa tàu, linh mục Nguyễn Hữu Cư (còn gọi là cha Thơ) đang đưa linh mục Martin - Henri Brillet (có tên Việt là Hiền) và giáo sĩ giúp việc thường gọi là chú Quy đến các xóm đạo Kẻ Thử, Quán Ngỗng, Gò Thị, Cửa Giả để thăm cậu Tám, thăm giám mục Eugène-Etienne Charbonnier (cố Trí), thầy Quyên, thầy Nhựt (17). Chủng viện Gò Thị ở Bình Định vốn là nơi linh mục Nguyễn Hữu Cư (1835 – 1892) từng tu học vào những năm tuổi ông ta mới lên mười (1845 – 1849), trước khi sang Pénang, nơi đào tạo linh mục “tả đạo” người bản xứ Viễn Đông (17)! Bình Định cũng đang và sẽ là điểm nóng của vấn đề lương – giáo! Linh mục Nguyễn Hữu Cư, cũng như linh mục Nguyễn Hoằng, cảm thấy thật lạc quan: Năm 1873 này, tại chính trường nước Pháp, phái quân chủ Thiên Chúa giáo đã lên cầm quyền trở lại (18)!
Phó sứ Nguyễn Văn Tường nhìn ra biển rộng, sau khi mải mê giám sát, động viên thuỷ thủ chữa tàu. Ông quay sang tham biện Nguyễn Tăng Doãn, khẽ nói:
- Mấy viên linh mục biến vào các xóm đạo rồi phải không? – Không đợi Nguyễn Tăng Doãn, vốn là bạn đồng hương cũng là đồng liêu trả lời, ông lại phàn nàn –. Chúng ta lâm vào thế thật lúng túng, đến mức phải sử dụng cả những tên giáo sĩ, linh mục nhị trùng, hai mặt!
- Linh mục Nguyễn Hữu Cư là người làng Cao Xá, cũng Quảng Trị mình, tuy gốc là làng Mỹ Hương, Quảng Bình! Hình như không đến nỗi vô lương tâm lắm. Y đã cộng tác với triều đình để dịch thuật từ năm Tự Đức thứ hai mươi (1867) đến nay (17).
- Còn linh mục Nguyễn Hoằng (Hoàng)? Y người Hà Tĩnh (19). Không biết thế nào! Nhưng dẫu sao, sứ bộ mình phải tự lực là chính. Chúng ta vẫn có những viên hành nhân thông ngôn của ta. Bản thân quan tham biện và tôi cũng phải chủ động trong vấn đề Pháp ngữ này. Ta chỉ thua kém trong cách phát âm mà thôi.
Phó sứ Nguyễn Văn Tường và tham biện Nguyễn Tăng Doãn vẫn kín đáo chuyện trò, bàn bạc trong khi chờ tàu sửa chữa xong. Những ngày này, chính sứ Lê Tuấn đang say sóng và cứ áp tay vào cổ họng. Ông lại trở cơn viêm họng mạn tính (20).
Bình Định vẫn không mưa. Tại bờ biển Vũng Tồ này, hơi nước biển chừng như mặn hơn trong nắng chói chang.

2

Trong khi chờ buổi trình diện của Françis Garnier, tướng Dupré ngồi nhấm nháp tách cà phê với điếu xì gà, một loại thuốc vấn bằng lá thuốc như nông dân nước ta thường tự trồng, tự cuốn lấy, to bằng ngón tay cái. Tên tướng này được gọi nguyên tên họ là Marie - Jules Dupré (1813 – 1881), xuất thân từ hạ sĩ quan, từng tham chiến xâm lược tại châu Phi ở xứ Madagascar, đảo Réunion, hiện là thống đốc Nam Kì (21). Dupré đang vào tuổi sáu mươi, y thấy mình cũng đã hơi mỏi mệt. Y nhìn giữa hai ngón tay kẹp điếu thuốc, những sợi khói xì gà bốc lên một vài tấc thẳng đứng trước khi uốn éo lan toả. Y ngẫm nghĩ, thử nhẩm tính từ ngày sang đây nhậm chức, 01.4.1871 (22), đến đợt nghỉ phép dài đến hơn chín tháng, 04.3.1872 – 16.12.1872 (22). Suốt gần chín tháng rưỡi ấy, thiếu tướng D’Arbaud sang làm quyền nhiếp thay y (22). Nhưng dẫu y hay D’Arbaud thì cũng thế. Và cũng đều như thế, từ thống đốc Nam Kì đầu tiên là Bonard, nhậm chức trong các năm 1861 – 1863, đến De la Grandière rồi Roze… sau đó, tất cả đều đã toan tính từng bước xâm chiếm toàn cõi Đông Dương (Việt – Miên – Lào). Dupré cười một mình với nụ cười nham hiểm, đôi môi mỏng dính dưới hàng râu mép đỏ quạch. Thật lòng y nham hiểm một cách hết sức bình tâm, không hề ý thức nham hiểm là tội ác!
Lúc này, lan man theo ý nghĩ, Dupré chợt nhớ từ năm 1872, y đã gặp gỡ nhiều chính khách Pháp tại Paris, và đã giải thích cho họ: “Nhận thấy rằng quyền lợi của nước Pháp là đặt chân lên Bắc Kì, ít ra là để củng cố Nam Kì” (23). Dịp ấy, vào ngày 22.12.1872, gần đến Lễ Giáng sinh, Dupré đã viết thư gửi Chính phủ Pháp: Phải chiếm lấy Kẻ Chợ (Hà Nội) để buộc vua Tự Đức chấp nhận giao hẳn ba tỉnh Miền tây Nam Kì cho Pháp; vả lại, Đức lẫn Anh cũng đều đang nhòm ngó Bắc Kì, nên không thể để chậm trễ (24)! Dupré cũng nhớ, trong một bức thư gửi cho bộ trưởng Hải quân Pháp vào ngày 19.5.1873, y đã viết: “Việc chúng ta thiết lập cơ sở trong xứ [Bắc Kì] phì nhiêu này, [xứ đó vốn là] láng giềng của nước Tàu và là ngõ xuất phát cho những tỉnh tây nam giàu có của nước này [tức là nước Tàu ấy], là một vấn đề sinh tử cho tương lai nền đô hộ của ta ở Viễn Đông (25) […]. Chúng ta phải đặt chân lên đất này, có thể bằng cách đồng minh với Tự Đức để mà lập lại uy quyền của nhà vua, hoặc là bằng cách chiếm đóng bằng quân sự…” (25). Đầu tháng 06.1873, Dupré đã nghe Millot, người của Jean Dupuis, quả quyết theo nhận định của tên lái súng ấy: “Tự tôi có sức đánh được quan lại triều đình Huế, lập lại nhà Lê và đặt Bắc Kì dưới quyền đô hộ của Pháp mà Pháp không phải tốn một người nào, cũng không phải tốn một xu nào. Nếu thống đốc [Dupré] muốn tự mình hành động thì hai trăm (200) lính đủ làm cho Bắc Kì trở thành thuộc địa của Pháp” (26). Thật quá dễ dàng và thuận lợi! Do đó, Dupré còn báo cáo về Pháp: “Bắc Kì là miếng mồi dễ ăn” (27). Cũng vào tháng 06.1873, chính Dupré lại đề nghị với Paris: “Mặc dầu hiện nay có những sự khó khăn, nên cho phép chúng tôi dùng vũ lực xâm chiếm đồng bằng sông Hồng Hà” (28). Ngày 28.07.1873, cũng chính y lại viết: “[Khi] Bắc Kì đã được khai phóng bằng sự thắng lợi của Dupuis (đi lên Vân Nam), [sẽ] tác động lớn lao trong thương mại Anh, Đức, Mỹ; tuyệt đối cần thiết phải chiếm Bắc Kì và đưa về tay Pháp cái đường thông thương duy nhất này. Tôi không cần có viện binh gì cả. Tôi làm với khả năng mà tôi có. Chắc chắn thành công” (29). Nhưng Paris dè dặt, vì nước Cộng hoà thực dân Pháp đang cố thoát ra khỏi cơn khủng hoảng sau thảm bại trước đế quốc Đức. Chính phủ Pháp tại Paris điện trả lời: “Dù với duyên cớ nào, với lí do nào, cũng không được làm cho Pháp quốc phải dính líu ở Bắc Kì” (30). Đó là do khó khăn mà tạm hoãn, chứ tham vọng xâm chiếm Bắc Kì và toàn cõi Đông Dương ở chúng có bao giờ tự dập tắt! Dẫu sao, ở thời điểm này, Dupré cũng thấy rõ tình tình, và mới đây y đã nói với viên lãnh sự Pháp tại Quảng Châu (Trung Hoa): “Hắn ta [:Jean Dupuis] hành động ở Bắc Kì như một xứ đã chiếm được. Và chính phủ [:triều đình] nước [Đại] Nam quả là quá yếu đuối mới nhờ tôi đuổi anh ta khỏi nơi [Bắc Kì] này, như chánh phủ ấy hiện đang làm. Nếu Dupuis với những lực lượng tệ hại của anh ta mà đã làm cho họ thất bại, thì đối với ta, nếu muốn đặt chân vào xứ [Bắc Kì] này, thật không tốn kém gì bao lăm” (31). Nhưng Dupré thấy đã đến lúc phải điều động Garnier, và Garnier từ Thượng Hải (Trung Hoa) đã về, từ hôm trước. Chính ngày 16.8.1873 (24.6 nhuận, nguyệt lịch) ấy, lúc Françis Garnier đặt chân đến Gia Định để trình diện Dupré (32), cũng là ngày hệ thống nồi hơi nước của tàu thuỷ sứ bộ Đại Nam mới bị nổ ở ngoài khơi Hòn Khô (thuộc Bình Định), vào lúc đầu giấc khuya về sáng, và con tàu đang trôi nổi lênh đênh!
Françis Garnier đã đưa vợ con về Thượng Hải (Trung Hoa). Lòng đã tạm yên, Françis Garnier, tên thực dân được sinh ra đời vào năm 1839 tại thành phố Saint Etienne thuộc tỉnh Loire ở Pháp (33), bước vô văn phòng tên cáo già Dupré. Sau cái đưa tay lên trán nghiêm chào, Françis Garnier thưa:
- Tôi xin đợi lệnh thống đốc.
- Đại uý ngồi xuống đây.
- Vâng.
Một người lính hầu bưng cà phê ra, khẽ cúi đầu, bẩm:
- Kính mời.
- Cảm ơn.
Thống đốc Dupré mỉm cười:
- Hẳn đại uý hiểu tôi cho mời đại uý về đây có việc gì? Đó là vụ Jean Dupuis ở Hà Nội. Nhắc lại với đại uý: Ngày 19.5.1873 vừa rồi, cách đây khoảng ba tháng, tôi đã gửi điện cho Paris với đề nghị thực hiện xâm chiếm Bắc Kì, hoặc ít ra cũng bắt buộc Huế phải mở cửa biển Hải Phòng để thông thương theo tuyến sông Hồng lên Vân Nam. Từ năm 1867 đến nay, sau khi xâm chiếm hẳn ba tỉnh Miền tây Nam Kì, ta vẫn đang dẫm chân tại chỗ, chưa tiến thêm bước nào. Vấn đề Bắc Kì, từ năm 1864, cố trung tá Doudart de Lagrée sau khi đặt được nền bảo hộ Pháp trên nước Cao Mên (34), ngay lập tức đã cố thăm dò sông Mê Kông, và từ đó tuyến sông Hồng thành mục tiêu thông thương của chúng ta. Nhưng trong thực tế, đến nay, tình hình đã chín muồi. Không thể để muộn hơn. – Tên thực dân cáo già Dupré cười nham hiểm –. Vụ đại uý gặp Jean Dupuis ở Hán Khẩu năm năm trước, nay đã rất tốt (35). Đó là việc phải tiếp tục tiến hành tại Bắc Kì…
- Vâng, tôi đã xin vâng lệnh thống đốc. Nhưng có lẽ tôi phải được phép thống đốc cho nghỉ ba tuần để lại sang Thượng Hải xếp đặt cho vợ con chu đáo hơn. Nhận lệnh, đi gấp, nên vợ con tôi vẫn chưa thật ổn định… Ba tuần, thời hạn không lâu. Chắc thống đốc vui lòng…
- Được. Trong dịp đó, đại uý nên nghiên cứu thêm về lai lịch Jean Dupuis của nước Pháp chúng ta. Thương gia này vốn là người Pháp chính tông, sinh ra đời năm 1833, trong một hộ phú nông. Đấy là một người phiêu bạt, đã lìa nhà năm hai mươi lăm tuổi, sang làm việc tại vùng kênh đào Suez, lại từng theo quân Pháp quốc chúng ta sang đánh Tàu. Sau đó y ở lại Tàu và phục vụ trong một đoàn thám hiểm Anh. Y đã như một người Tàu chính cống. Lâu nay y chuyên buôn bán súng đạn cho người Tàu đánh nhau và hiện giờ vẫn đang tiếp tục bán súng đạn cho bọn giặc Cờ (tàn quân Thái bình thiên quốc)… Y còn buôn bán muối và thu về quặng kẽm…
- Vâng, tôi cũng đã biết ít nhiều.
- Đại uý nên nhắc lại cho tôi quá trình phục vụ trong lực lượng hải quân Pháp của chính đại uý (36)!
- Tôi năm nay ba mươi bốn tuổi, người Pháp, đã học Đại học Văn khoa, lại ham cả khoa học tự nhiên, từng sống tại Paris, đã vào học Trường Võ bị Vincennes, lại học về môn võ khí tại Trường Hải quân Lorient. 1860, tôi sang châu Á, trước hết là chiến đấu ở Trung Hoa. Sau đó, sang Đại Nam, tôi phục vụ dưới trướng trung tướng Charner, từng chạm trán với danh tướng Nguyễn Tri Phương tại đại đồn Kỳ Hoà. 1863, tôi đảm nhiệm chức thanh tra Nam Kì dân sự vụ, cai trị trực tiếp Chợ Lớn. Tiếp theo, tôi là thành viên rồi trưởng đoàn thám hiểm Mê Kông cho đến 19.6.1868. Tôi có dự vào cuộc chiến Pháp – Phổ, 1870 – 1871, và viết báo, diễn thuyết về sông Mê Kông và sông Hồng. Tôi mới cưới vợ được vài năm (36)… Thưa thống đốc, tôi báo cáo đã hết. Xin được nhận tiếp nhiệm vụ.
- Thôi, được. “Tôi cho gọi anh về để nói chuyện với anh về công việc ở Bắc Kì… Công việc Bắc Kì hiện nay có thể tóm lược lại trong hai chữ: Jean Dupuis” (37). Tôi nhắc lại như thế. Anh cũng rõ, có người từng nhận định: “Nếu sông Cái [:sông Hồng] trong hai tuần lễ [đã] đưa [được] các thương thuyền Trung Hoa đến vịnh Bắc Kì, ta chỉ còn buộc Tự Đức kí một thương ước bảo đảm tự do ra vào các hải cảng Bắc Kì. Từ Hải Phòng, tàu Pháp và tàu bản xứ lần dọc theo bờ biển Trung Kì trong mấy ngày sẽ đổ bộ lên Sài Gòn vô số những tài nguyên mà từ trước chỉ được tải đến Quảng Châu [Trung Hoa]” (38). Và chính Jean Dupuis đã bước đầu nhận định, báo cáo: “Việc đánh lấy thành Hà Nội […] có một tiếng vang lớn trong toàn cõi. Sự tập kích mau lẹ do một nhóm người [Pháp] làm cho quan dân đều kinh hoàng. Bọn dư đảng nhà Lê tất nhiên đặt hi vọng lớn lao vào sự việc này; mà dư đảng nhà Lê, thật sự là toàn dân của xứ Bắc Kì [:Đàng Ngoài], ngoại trừ bọn quan lại từ các tỉnh phía nam sông Gianh [:Đàng Trong] đến… Lòng tin tưởng của dân chúng đặt vào nước Pháp, sự bất lực của quan lại…, đó là những gì […] khiến cho nhiều đô thị do hàng ngàn người chống giữ mà đầu hàng trước một nhóm người [Pháp]…” (39). Đúng ra, hỗ trợ và ủng hộ người Pháp chúng ta là bọn dư đảng trung thành với nhà Lê và nhất là giáo dân Thiên Chúa giáo! Câu ấy Jean Dupuis vừa viết ở thì hiện tại và thì tương lai, nhưng sau này, tôi đoan chắc y cũng sẽ lại viết như thế với thì quá khứ đã hoàn tất! Thế đấy! Bây giờ, anh sẽ được nghỉ phép ba tuần. Bấy giờ, trong thời gian ba tuần ấy, sứ bộ Đại Nam cũng đã đến đây. Lúc này họ đang trên đường vào. Tất nhiên ta phải chuẩn bị làm sức ép để sứ bộ Đại Nam và triều đình Huế chấp nhận yêu sách của ta. Tôi nhận định: Sứ bộ này không non nớt như sứ bộ Phan Thanh Giản hồi 1862! Sẽ căng thẳng lắm đấy!

Hết tệp 1 truyện kí thứ 7

Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 7
vào lúc 11 giờ kém vào lúc 11 giờ kém 05 phút,
ngày 09.11.2002
(05.10 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(1) Khổng Tử trả lời Tử Cống, Luận ngữ (Dương hoá, XVII), dẫn theo Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb. Tp.HCM. tái bản, 1992, tr. 101.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, tập 32, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1975, tr. 312.

(3) Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Tri Phương (NTP.), Nha Văn hoá, Bộ VH. & GD. xb., Sài Gòn, 1974, tr. 176.

(4) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 305.

(5) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 305 – 306.

(6) NTP., sđd., 1974, tr. 178.

(7) Dương Kinh Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử (VN.NSKLS), tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 146; ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 322: Tuần phủ Vân Nam, năm Đồng Trị thứ 8 (1869), có họ là Sầm. Mã là họ của một viên tướng (đề đốc) ở tỉnh ấy. Xem thêm: GS. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, Nxb. Tp. HCM. tái bản, 2001, tr. 290, 293 - 294.

(8) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 307.

(9) NTP., sđd., 1974, tr. 176.

(10) NTP., sđd., 1974, tr. 177 – 178.

(11) Tập san Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH.) (Bulletin des amis du vieux Huế [BAVH.], Cadière làm chủ bút.), bài “Hoà ước 1874, Nhật kí của thư kí sứ bộ An Nam” của linh mục Nguyễn Hữu Cư, tập VII (1920), Bửu Ý, Đặng Như Tùng dịch, Nxb. Thuận Hoá, 2001, tr. 466. Phải chăng bài này do H. Peyssonnaux, thanh tra mật thám, Bùi Văn Cung, thư kí chánh ngạch [Ban] Ngoại kiều biên tập [?]? Chẳng hiểu tại sao trong NNBCĐH., sđd., tên của Nguyễn Hữu Cư lại chỉ in ở phần chú thích, trong khi đó hai cái tên H. Peyssonnaux, Bùi Văn Cung lại được in ở chỗ thường là in tên tác giả, khiến người đọc ngỡ Nguyễn Hữu Cư còn có cái tên Pháp là H. Peyssonnaux!

(12) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 306 – 307.

(13) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 309 – 310.

(14) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 312.

(15) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 309.

(16) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 466.

(17) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 466 – 467.

(18) GS. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (CXL.), Nxb. Tp. HCM. tái bản, 2001, tr. 288.
(19) ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 41 (năm Tự Đức thứ 19 [1866]). Xem thêm: NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 465.

(20) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 468.

(21) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 470.

(22) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 106.

(23) Jean Dupuis, Les Evènements du Tonkin, dẫn theo GS. Trần Văn Giàu, CXL., sđd., 2001, tr. 294.

(24) CXL., sđd., 2001, tr. 294.

(25) Amiral Dupré à consul canton 26.06.1873, dẫn theo Đào Đăng Vỹ, NTP., sđd., 1974, tr. 181; CXL., sđd., 2001, tr. 294.

(26) Archives du ministère de la Marine et des Colonies, dẫn theo GS. Trần Văn Giàu, CXL., sđd., 2001, tr. 295 – 296.

(27) Dẫn theo, CXL., sđd., 2001, tr. 292 (xem chú thích (23)).

(28) Dẫn theo, CXL., sđd., 2001, tr. 295.

(29) Dẫn theo, CXL., sđd., 2001, tr. 295; Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 512.

(30) Dẫn theo, NTP., sđd., 1974, tr. 181.

(31) Dẫn theo, NTP., sđd., 1974, tr. 181; CXL., sđd., 2001, tr. 297.

(32) NNBCĐH., bài đã dẫn, chú thích của Cadière, sđd., 2001, tr. 476.

(33) NTP., sđd., 1974, tr. 175 – 176.

(34) NTP., sđd., 1974, tr. 172.

(35) NTP., sđd., 1974, tr. 177.

(36) NTP., sđd., 1974, tr. 173 – 174.

(37) NTP., sđd., 1974, tr. 176.

(38) Roger Vercel, Françis Garnier l’assaut des Fleuves, dẫn theo Đào Đăng Vỹ, NTP., sđd., 1974, tr. 177.

(39) Jean Dupuis, Les Evènements du Tonkin, dẫn theo Đào Đăng Vỹ, NTP., sđd., 1974, tr. 202 – 203.

Soạn xong phần chú thích
lúc 09 giờ 25 phút, ngày 14.11.2002
(10.10 Nh. ngọ, HB.2).

TRẦN XUÂN AN

Hết tệp 1 (PHÂN ĐOẠN 1 TRUYỆN KÍ THỨ 7)
xin xem tiếp tệp 2
(Phân đoạn 2 truyện kí thứ 7)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home