TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II A)

Monday, December 12, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II A)

Tệp 3 - Tập II
(PHÂN ĐOẠN 3, TRUYỆN KÍ THỨ 7)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CƯỠNG ƯỚC “HỮU NGHỊ”
VÀ CƯỠNG ƯỚC THƯƠNG MẠI,
GIÁP TUẤT 1874


Truyện kí thứ bảy
(phân đoạn 3)

7

Hồi cuối tháng tám nguyệt lịch (15.10.1873), lúc Françis Garnier đến Đà Nẵng, vua Tự Đức cho Nguyễn Khoa Luận, Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Văn Thi vào đón tiếp (74), sau đó theo tàu của y để ra Hà Nội, ngỡ là để cùng giải quyết vụ gây hấn của Jean Dupuis. Ngay chính Jean Dupuis trước đó cũng đã gửi thư từ Hà Nội vào Huế báo tin này! Không ai dám quả quyết chúng đồng lòng che giấu âm mưu không đơn giản là chỉ gây rối, mặc dù trong bức thư Dupré gửi cho triều đình Huế đã bộc lộ với lời lẽ rất xẵng: “Triều đình nước Nam không thể trì hoãn việc mở rộng [cửa] Bắc Kì và sông Hồng cho đến Vân Nam. Vì lẽ đó, đại uý Françis Garnier có lệnh ở lại Hà Nội cho đến lúc nào việc này được giải quyết xong” (75) ! Không dám quả quyết là bởi vua Tự Đức, triều đình và hoàng thân nhận thức rõ: một là, thực lực vũ khí quân ta là quá lạc hậu, quá yếu kém; hai là, lòng dân Bắc Kì chưa thật trung thành, còn bất trắc, lại lắm “tả đạo”; ba là, nạn phỉ giặc Cờ chưa dẹp xong. Do đó, triều đình Tự Đức vẫn còn mong giải quyết vụ việc bằng “hoà” nghị!
Khi đến cửa biển cuối sông Hồng, chuyện trò trên đoạn sông lên Hà Nội, lòng háo thắng của tên sĩ quan ranh con Françis Garnier được bơm lên bởi tên lái buôn liều mạng cam tâm làm bung xung là Jean Dupuis. Ngày mười bốn tháng chín ta (03.11.1873), Françis Garnier viết trong một bức thư: “Mọi người đều coi như tôi sắp thống trị xứ này, nếu tôi muốn. Tôi còn đợi xem. Trước khi lật đổ chính quyền tại đây, lẽ tất nhiên tôi đợi xem những dấu hiệu do nhân dân biểu lộ và xác nhận lời của Dupuis” (75) . Chả là Dupuis đã nói với Garnier rằng “cả xứ Bắc Kì sắp nổi loạn… nếu ông [:Garnier] ra hiệu…” (75) !
Đến Hà Nội (05.11.1873), tại quán trọ, Françis Garnier liền thông tin vào thành. Y đợi Nguyễn Tri Phương, Vũ Đường, Nguyễn Đăng Nghiễm đến đón tiếp y, nhưng thật tâm, y chờ tình huống có thể thừa cơ lúc bất ngờ để dẫn quân vào thành (76). Y ào vào Dinh Khâm mạng lúc Nguyễn Tri Phương chưa kịp mặc áo ngoài, chỉ kịp lắp bắp vài tiếng Pháp, che giấu nỗi uất hận dưới nụ cười và dăm lời mềm mỏng (77). Thái độ mở đầu của Françis Garnier đã rất ngang ngược!
Quyền suất đội Nguyễn Đăng Viên canh cửa thành nhỏ bên ngoài không báo. Các quan đầu tỉnh bảo lính ngăn lại không kịp! Tất cả đều bị giáng, cách, lưu nhiệm, riêng Nguyễn Đăng Viên bị lột hẳn chức, cho về quê (76).
Vua Tự Đức cũng vẫn cố nhẫn nại, ra dụ cho Hà Nội: sắp xếp cho Françis Garnier và quân binh của y tạm trú tại Trường thi, đồng thời vẫn khoản đãi tên thực dân ngang ngược, hỗn láo ấy (76)!
Liền trong những ngày ấy, tên quan năm Pháp (trung tá Senès) đem năm chiếc tàu đến Đồ Sơn, tỏ ý uy hiếp. Quyền tổng đốc Hải Dương Đặng Xuân Bảng uỷ phái viên đến thăm hỏi xã giao, và đồng thời tâu gấp vào kinh (78). Nhà vua sai đình thần xét nghĩ. “Bọn Trần Tiễn Thành cho là phái viên nước ấy (quan ba An Nghiệp [Françis Garnier]) đến, đã có nói phao lên rằng: “Không cùng với hắn định ngay điều ước thông thương, sợ có [xảy ra] việc nguy hiểm”. Nay tiếp tục đến nhiều thuyền, chẳng qua cùng bè lũ với chúng dùng cách ấy doạ nạt, cho điều ước chóng thành […]. Xin nên [để] do bọn quan khâm mạng thiết trách An Nghiệp, bảo [với chúng rằng:] “Phái viên quý quốc mới sang, chỉ vì việc đuổi Đô Phối (tức Đồ Phổ Nghĩa [Jean Dupuis]); nếu thuyền bọn chúng [bọn Pháp] muốn đến buôn, hãy đợi điều ước làm xong, mới có phương tiện. Phái viên quý quốc nên bảo ngay cho thuyền bọn ấy [bọn Pháp], phải theo thế mà làm. Nếu [Jean Dupuis] có dám trái [với] điều cấm, ngang ngược làm càn, phải do [chính] phái viên [Pháp] đuổi hắn, để tỏ phép công của các nước. [Như thế] hầu mới ổn thoả và được việc”. Vua theo lời” (78) .
Khác với những ngày còn ở Gia Định, bấy giờ Françis Garnier còn khuyên Dupré nên xử sự một cách ngoại giao mềm mỏng, lúc này, khi đã đặt chân lên Hà Nội, y ngang ngược đến mức hỗn láo! Không những nằng nặc đòi quan khâm phái Phan Đình Bình theo “lệnh” y, y còn ra mặt thúc bách cả quan khâm mạng bảy mươi bốn tuổi phải lập tức theo yêu cầu của y về việc mở cửa thương mại và khai thông tuyến sông Hồng (79), mặc dù Nguyễn Tri Phương chỉ nói đến việc đuổi Dupuis (80)! Tên thực dân nhãi tép này còn bắt chước Jean Dupuis cho lính xô ngã các tán lọng che sắc chỉ của vua Tự Đức, y còn sai lính xé bỏ các tờ hiểu thị của quan khâm mạng (80). Nội dung các tờ hiểu thị ấy xác định Françis Garnier không có chức trách gì ngoài việc dàn xếp vụ Dupuis và cấm dân chúng, đặc biệt là giáo dân, tiếp xúc với y. Y xem đó là cách công khai hạ nhục y (80)! Françis Garnier lại còn cho niêm yết khắp Hà Nội những bích chương với các điều khoản đơn phương đặt ra một cách hỗn xược (80)! Đúng là một tên thực dân nhãi tép cuồng bạo!
“Quan lớn Garnier, người đã được quan đô đốc thống soái Nam Kì thuộc Pháp phái ra Bắc Kì để thoả hiệp với nhà cầm quyền [Đại Nam] về việc khai thương xứ này, cho biết rằng:
1. Bắt đầu từ ngày 15.11.1873, sông Hồng sẽ được mở từ biển đến Vân Nam cho việc buôn bán;
2. Sông này chỉ được dành cho sự buôn bán của các tàu Pháp, Y Pha Nho và Trung Hoa, tức là những quốc gia có hiệp ước với Việt Nam [Đại Nam];
3. Quan thuế phải trả được định là 9% tổng giá hàng hoá chở trên tàu;
4. Đối với các tàu từ Sài Gòn đến hay đi đến Sài Gòn thì giá thuế này được bớt phân nửa;
5. Các tàu từ Vân Nam đi ngang qua cũng chỉ trả phân nửa thuế;
6. Các thương gia Tàu [Trung Hoa] hay thuộc quốc gia khác được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp và không tuỳ thuộc thẩm quyền quan chức người Đại Nam bất cứ phương diện nào;
7. Các thương gia thuộc bất cứ quốc tịch nào, đều có thể mua đất và nhà ở Hà Nội để đặt cơ sở của họ;
8. Các sở quan thuế của người [Đại] Nam hiện có đều được bãi bỏ từ hôm nay
9. … v. v.…” (81)
.
Thái độ ngang ngược ấy của Françis Garnier vốn đã được bơm lên bởi Jean Dupuis, lại cũng do y nhận thấy người Pháp có nhiều hậu thuẫn trên đất Bắc Kì! Quả thực, cũng đã có nhiều người dân tự xưng là hậu duệ vua Lê đến gặp Françis Garnier (82), nhưng số giáo dân vẫn nhiều hơn! Những kẻ nhân cách mạt hạng, phản quốc ấy chỉ ước mong theo nỗi ước mong của Pierre Tạ Văn Phụng trước kia: “xứ Bắc Kì bảo hộ thuộc Pháp”!
Françis Garnier cũng đã liên lạc với giám mục Puginier. Tên thực dân giám mục “tả đạo” này vẫn đóng vai trò cố đạo, miệng bảo không dính đến chính trị, và sợ sẽ bị triều đình Huế lại trút hận lên bọn giáo dân đang sẵn sàng phản quốc, phục vụ theo lệnh Françis Garnier (83)! Phải thừa nhận giám mục thực dân Puginier rất khôn ngoan trong toan tính, biết nhìn trước ngó sau, mặc dù quyết tâm xâm lược không hề bao giờ thay đổi trong tim đen sau lớp áo chùng thâm! Mặt nạ của Puginier mãi về sau mới công khai rơi xuống (83)!
Françis Garnier cùng những tên đại diện các thế lực trong sự câu kết với nhau của chúng đã tổ chức tiệc tùng để trông chờ ngày quyết định. Các buổi tiệc tùng ấy có mặt giám mục Puginier, linh mục Dumoulin (?), chín (09) nhà buôn Hoa kiều, các tên sĩ quan Pháp (84). Thế là Françis Garnier đã có thêm vây cánh để máu cuồng bạo sôi réo lên trong tim đen của y!
Không thể nói khác được, Françis Garnier rõ là lên cơn cuồng bạo! Y càng cuồng bạo hơn khi nghe tin nếu chậm trễ, kéo dài ngày, sẽ bị đầu độc, thuốc độc sẽ được bỏ vào thức ăn nước uống, một hôm nào đó (85)!
“Bơm lên” và hù dọa là hai thủ thuật của bọn cáo già, đủ để đẩy Françis Garnier đi đến điểm đỉnh của cơn cuồng bạo thực dân!
Đến ngày cuối tháng chín âm (19.10.1873), Françis Garnier quyết định gửi tối hậu thư cho quan Vũ hiển Nguyễn Tri Phương (86). Thời hạn cuối là phải trả lời trước mười tám (18) giờ chiều cùng ngày. Không thể có thư trả lời trước một tối hậu thư bình thường, chứ chưa nói là đối với một thứ tối hậu thư đầy lời lẽ xấc láo đến thế! Danh tướng Nguyễn Tri Phương, trong những ngày trước, đã viết bản sớ xin vua Tự Đức cho ông trừng trị Françis Garnier hoặc cho ông từ chức (87). Không ngờ, đến giờ phút này, ông bị đặt trước tối hậu thư thách thức, ngạo mạn, lớn lối của một tên ranh con!
Sáng sớm hôm sau, mùng một tháng mười nguyệt lịch (88), năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873), Françis Garnier tấn công. Sau một giờ rưỡi chiến đấu, thành Hà Nội thất thủ (88)!
Mười một ngày sau, Françis Garnier huênh hoang phúc trình vào cho Dupré (89):
“Hà Nội ngày 01.12.1873 [12.10 nguyệt lịch, Quý dậu]
Kính thưa thiếu tướng,
Tôi hân hạnh phúc trình cùng thiếu tướng những trận chiến đã đưa đến việc chiếm thành Hà Nội và những đồn luỹ trong tỉnh mà Hà Nội là thủ phủ.
Một tối hậu thư đã được gởi chiều ngày mười chín (19) cho quan tổng thống quân vụ thống lãnh Bắc Kì [Nguyễn Tri Phương]. Tôi buộc ông ta làm một tuyên ngôn nói rằng sẽ không chống bằng vũ lực đối với các nghị định thương mãi của tôi, và ông sẽ chấm dứt mọi chuẩn bị chiến tranh. Tôi không nhận được lời phúc đáp, tôi quyết định đánh thành [vào] ngày mai [ấy], lúc tảng sáng.
Năm giờ rưỡi sáng, một đoàn quân thứ nhất do ông Bain de la Coquerie, trung uý hải quân, chỉ huy, và gồm ba mươi (30) thuỷ binh và một đại bác rời căn cứ để đến đóng trước cửa Tây Nam thành.
Năm giờ bốn mươi lăm, đoàn thứ hai do ông Trentinian [cháu của đại tá Trentinian] chỉ huy và gồm ba mươi (30) thuỷ quân lục chiến, tiến về cửa Đông Nam là cửa gần trại ta nhất. Sau cùng, lúc năm giờ ba mươi (5g 30), ông Esmez cầm đầu ba mươi (30) thuỷ binh và ba đại bác cũng tiến công lên cùng hướng, theo sau là đoàn trừ bị của tàu Decrès do đại uý của tàu ấy cầm đầu. Trại quân do kĩ sư Bouillet và mười lính trấn giữ.
Ở bên sông, tàu Scorpion và tàu Espingole đã chuẩn bị pháo kích từ hôm qua và hướng cả về các cửa Tây, Bắc và Đông, nghĩa là về phía mà chúng tôi sẽ không tấn công…
Đúng sáu giờ, lúc tôi cầm đầu đoàn quân của Trentinian và đặt chân lên chiếc cầu của tiền luỹ cửa Đông Nam, thì tiếng súng của ông Bain nổ phía trái tôi và những quả đạn đầu tiên của bên tàu [Pháp] tưới vào trong thành. Địch [tức là quân Đại Nam] hoàn toàn bất ngờ. Kinh hoàng trước cuộc tấn kích nhiều mặt, họ không biết điểm bị đe dọa chính là điểm nào. Chúng tôi quét sạch những chướng ngại vật trên cầu của tiền luỹ, mà không sợ súng bắn ra. Khi các pháo thủ [Đại Nam] trên thành đến vị trí của họ, chúng tôi đã núp bên cạnh thành của cái tiền luỹ. Quân phòng thủ [Đại Nam] chỉ còn cách ném đá vào chúng tôi. Búa không thể phá cửa, tôi cho đặt một đại bác trên cầu; ba quả đạn trái phá đã mở đường cho chúng tôi. Ông Trentinian và các thuỷ quân lục chiến ùa vào trong tiền luỹ, và quân phòng thủ [Đại Nam] không còn chỗ núp, đành chạy trốn về phía bờ thành hoặc chết trôi dưới hào nước. Pháo binh của ta bắn rất gắt trên đầu tường làm quân địch [Đại Nam] cố đến quay đại bác bắn vào ta mà không làm được.
Trong lúc ấy, ông Esmez đem đoàn đại pháo lên trên cầu bắc qua hào và bắn vỡ cửa thành, dưới làn thưa đá từ trên đầu thành ném xuống. Cái cửa chắc chắn này đã đứng vững khá lâu. Lúc phá được một lối vào, tôi bèn xông vào dưới cửa tò vò, và tôi nhận thấy trước mặt tôi bọn cầm lọng che cho tướng phòng thủ [Đại Nam]. Lúc ấy tôi không ngờ đó chính là vị thống soái [Đại Nam], và do một ngẫu nhiên kì lạ, ông ta lại chọn chính cái cửa tôi đánh để làm điểm chống cự. Một loạt súng lục và súng trường quét sạch chỗ cửa thành và quân [Đại] Nam chạy tứ tán… Cùng lúc ấy một loạt kèn thổi cho tôi hay là Bain đã làm chủ được phía cửa gần đó. Anh ta không gặp sự chống cự nào phía trong tiền luỹ. Anh ta bị một loạt pháo trong thành bắn ra, nhưng không trúng ai cả.
Lập tức tôi cho Trentinian vào trong thành để bắt ông thống soái [Nguyễn Tri Phương]; và cho Hautefeuille và vài người đi lấy cửa phía Đông. Tôi lại ra lệnh cho ông Bain qua cửa Tây mà nhiều người đang chạy trốn về phía đó. Sau cùng, vì thấy nhiều quân địch [:Đại Nam] núp trong tháp cột cờ ở giữa hai cửa phía Nam, và hai tầng lầu của tháp này đầy dẫy quân phòng thủ [Đại Nam], tôi cho Esmez tấn công về phía đó và chỉ giữ bên tôi số quân trừ bị. Hai quả đại pháo đã quét sạch quân phòng thủ [Đại Nam ở] tháp cột cờ, dấu hiệu cho pháo binh ở bờ sông thôi bắn. Lúc ấy đúng sáu giờ năm mươi lăm phút (6g 55). Ông Esmez liền qua phía cửa Bắc. Phía cửa Đông, Hautefeuille chỉ có năm người đành đứng lùi lại; tôi phái đại uý Decrès với quân trừ bị qua với anh ta… Vài phút sau, cờ Pháp phấp phới trên khắp cả năm cửa của thành Hà Nội. Chúng tôi không có ai bị thương cả”.
[Kí tên:] Françis Garnier
.
Đúng ra, phía Pháp, một (01) tên bị chết, hai (02) tên bị thương; bên quân ta, tám mươi (80) người hi sinh, ba trăm (300) người chiến thương, hai ngàn (2.000) lính bị giặc Pháp bắt sống. Trong khi đó, lực lượng quân lính giặc Pháp chỉ vỏn vẹn hai trăm mười sáu (216) tên thuộc quyền Françis Garnier và khoảng chín mươi (90) tên thuộc quyền Jean Dupuis. Với quân số trên ba trăm (300), chúng mới tham chiến chỉ một trăm tám mươi (180) tên (90)! Tất nhiên, ngoài tinh thần chiến đấu vốn bao giờ cũng rất quan trọng, thì vấn đề chính ở đây, trong trận giặc Pháp tấn công thành luỹ và quân ta phản công phòng thủ này, đó là hoả lực vũ khí. Phía Pháp, hoả lực vũ khí gồm cả súng cá nhân, đại bác, đặc biệt là pháo thuyền yểm trợ. Súng thép tàu đồng Pháp đều thuộc loại tối tân của nửa sau thế kỉ mười chín (XIX). Phía ta, vũ khí vẫn còn quá lạc hậu!
Về sau, gia phả danh tướng Nguyễn Tri Phương được hậu duệ chép (91):
“Cụ cùng con là phò mã Nguyễn Lâm đốc suất quân ra phía cửa Đông Nam, vượt lên thành chống giặc. Phò mã bị một phát đạn vào đầu chết ngay. Cụ [Nguyễn Tri Phương] cũng bị thương. Binh sĩ khiêng vào dinh. Người Pháp đem thuốc vào buộc, cụ đều rứt ra, đưa đồ ăn vào cụ đều phun nhổ không nuốt. [Cụ] nói rằng: “Bây giờ ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa…””.
Để giữ trọn khí tiết, quan Vũ hiển, tước hiệu Tráng Liệt bá, lãnh Lại bộ thượng thư kiêm sung khâm mạng tuyên sát đổng sức đại thần Nguyễn Tri Phương tuyệt thực, chỉ ngậm sâm và uống nước trong. Mặc dù ông đã bị giáng xuống hàm hiệp biện đại học sĩ, lại bị cách, quân binh vẫn một mực quý trọng vị danh tướng tài cao, đức trọng, nhưng đã bị sự phát triển nhanh của kĩ thuật vũ khí Phương Tây đánh bại. Sau một tháng tròn, đến ngày mùng một tháng mười một nguyệt lịch (20.12.1873), Nguyễn Tri Phương trút hơi thở cuối cùng.
Thự tổng đốc Hà – Ninh Bùi Thức Kiên, án sát Hà Nội Tôn Thất Trắc (Thiệp) trốn thoát sau khi thành mất. Hai viên quan này trú ẩn ở phía bắc thành, tại nhà tên thư lại Tô Phái (xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì). Nhưng tên cai tổng Đức phản bội, bắt Bùi Thức Kiên đem nộp cho giặc Pháp để lãnh một trăm quan tiền thưởng ô nhục (92)!
Bọn Pháp còn bắt bốn viên quan lớn, khâm phái và đầu tỉnh, chở vào Gia Định, toan đưa về Pháp để dâng công (92)!
Từ Huế, nghe tin, vua Tự Đức bảo: “Trước đây, tướng Pháp [Dupré] phái thuyền [ra Bắc], vì tình giao hiếu [mà] đến, ta cũng không tính chúng giả dối, [nên] cho đến đậu ở tỉnh thành Hà Nội, để tỏ [sự] đối đãi khoan hậu; không ngờ phái viên [Pháp, Françis Garnier] ấy giảo quyệt sinh sự, rất là quái ngạc. Trong [vụ việc] đó, không khỏi [do] tướng ấy có ý bảo ban [:bàn mưu tính kế trước cho Françis Garnier]”. “[Nhà vua] liền sai Thương bạc viết thư báo cho nước Pháp biết, và [thông] tư cho sứ thần (hiện ở Gia Định) phải khéo giảng giải, cốt cho tướng [Dupré] ấy sức bảo [:ra lệnh cho] An Nghiệp [:Françis Garnier] trao trả tỉnh thành Hà Nội, mới tiện định điều ước” (93) .
Mặt khác, vua Tự Đức liền cách chức các quan thất thủ và đầu hàng, bổ nhiệm một loạt quan chức mới cho Hà Nội: Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp, Đặng Văn Huấn, Trương Gia Hội, Phan Đề, Hoàng Đôn Điển, Nguyễn Đức Thực (94). Trương Gia Hội được lệnh đưa cả hai viên cố đạo Pháp ở nhà thờ Kim Long (Huế), gồm giám mục Bình (Sohier) và linh mục Đăng (Dangelzer), đến Thanh Hoá, rồi cùng ra Hà Nội (94). Triều đình thừa biết giám mục thực dân Bình (Sohier) vừa đi dự Công đồng Vatican tại Toà thánh La Mã (Rome), trong hai năm Kỉ tị và Canh ngọ (1869 – 1870) (95)!…
Về tổ chức guồng máy cai trị, Françis Garnier, tai quái thay, y cũng thế! Tên thực dân nhãi nhép này đã cất đặt hàng loạt tên “tả đạo”, Hán gian (Hoa kiều…), Việt gian, kể cả bọn cơ hội làm quan chức tay sai cho y (96)! Françis Garnier rất xảo trá, biết cách lợi dụng chủ trương “hoà” nghị của triều đình Tự Đức. Y viết thư cho các quan đầu tỉnh ở Nam Định, Ninh Bình với nội dung “tâm lí chiến”. “Các tỉnh Nam Định, Ninh Bình tâu rằng: An Nghiệp đưa thư nói, tên ấy không phải có lòng chiếm lấy thành trì, [mà] vẫn muốn giữ hoà [!] ước trước; chỉ vì các viên sai đi trước [như Jean Dupuis, Senès…] làm việc không khéo, nên mới thế; xin chọn quan đến làm việc; tên ấy tức [khắc] đem tỉnh thành trao trả, [rồi] cùng định điều ước về việc buôn [thương mại]” (97).
“Vua bảo rằng: “Chúng rất giảo trá. [Chúng] đã chiếm đất bên trong của ta, đã nói là nộp lại thành, bàn điều ước; [trẫm xét thấy cũng] vẫn chưa đủ tin. Nhưng nay muốn bớt việc, yên dân, nhân cơ hội [ấy, mà] châm chước đối phó, cũng không hại gì”. [Vua] chuẩn cho đình thần chọn cử viên nào có tài năng, đặt làm quan tỉnh để sung làm việc, nhưng đều cho thăng trật để tỏ ý khuyến khích” (98)
.
Nhưng bọn Françis Garnier đâu chỉ dừng lại đấy! Quân Pháp lại bức chiếm phủ Lý Nhân (26.11.1873), huyện Hoài Đức, huyện Gia Lâm. Do đó, triều đình điều động một loạt quân thứ tiến ra và kéo về quanh Hà Nội để trấn áp, với các quan chỉ huy: Lê Thập, Chu Đình Kế, Hồ Uy (Oai), Nguyễn Chính (99)…
Sau khi Hà Nội thất thủ, vài phủ huyện gần đấy bị bức chiếm, thì một loạt thành lũy thủ phủ các tỉnh lân cận cũng liên tiếp đầu hàng và bị đánh chiếm.
Trước hết là Hưng Yên (23.11.1973) (100). Bọn Pháp đưa ra ba khoản, nếu bố chính sứ lãnh tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, lãnh án sát Tôn Thất Phiên [Phan] tuân theo, sẽ ổn: một là, triệt bỏ trạm gác cửa quan (cửa vào tỉnh), bến đò; hai là, nhổ cọc đóng rào ở cửa sông; ba là, niêm yết điều ước thương mại do chúng soạn sẵn. Quan tỉnh Hưng Yên trả lời qua quýt như thể đồng thuận hoặc để hoãn binh. Bọn Pháp bỏ đi (100).
Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng đầu hàng (101)…
Ngày mười bốn tháng mười nguyệt lịch (03.12.1873), quan tỉnh Hải Dương (102) bảo bọn Pháp do Trentinian chỉ huy: Chờ lệnh triều đình. Chúng liền tấn công. Sau một hôm chiến đấu, thành mất (04.12.1873)! Lê Hữu Thường, Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Đại trốn thoát ra đóng ở các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng (102).
Ngày mười sáu Nam lịch (05.12.1873), tên giặc Pháp Hautefeuille chỉ huy tàu chiến đến Ninh Bình (103). Tuần phủ Nguyễn Thứ ra khỏi thành đón tiếp! Bọn Pháp dắt tay tuần phủ vào thành (103)! Quân lính quỳ hai bên đường khi Pháp đi qua (104). Chúng chỉ gồm vỏn vẹn một (01) thiếu uý và bảy (07) tên quân! Vào thành, chúng nổ súng. Quân ta tan vỡ (103). Đây là một vụ đầu hàng nhục nhã nhất, bi hài và thê thảm nhất! Tên linh mục Trần Lục, thường gọi là cha Sáu, bộc lộ rõ bản chất tay sai, chỉ điểm đốn mạt. Đồng bọn với Trần Lục còn có các tên cố đạo Tây dương khác (104).
Trong tình hình đó, các cung đường trạm Nam – Bắc bị giặc Pháp và “tả đạo” chận phá, đón đường cướp ống công văn, làm ách tắc liên lạc. Ngựa lính trạm đến Thanh Hoá là phải chạy đường vòng, nẻo tắt (105).
Chiếm xong Ninh Bình, giặc Pháp chạy tàu chiến đến Nam Định (08.12.1873) (106). Hộ đốc Nguyễn Hiên phái lãnh binh Nguyễn Văn Lợi, thương biện Phạm Văn Nghị đón đánh ở đồn Độc Bộ. Nhưng rất tiếc, quân ta thất bại, phải rút. Quan quân tạm đóng tại các huyện Phong Doanh, Ý Yên. Đến sáng sớm ngày hai mươi mốt (10.12.1873), giặc Pháp chạy tàu chiến trên sông Vị Hoàng, bắn dữ dội vào thành, cửa đông thành vỡ. Thành Nam Định cũng thất thủ (106)! Giặc Pháp chiếm lấy thành ấy. Trong việc tên Harmand đánh chiếm được Nam Định, có sự toa rập đắc lực của cố đạo Paulus Trịnh, một kẻ nuôi tham vọng “phù Lê” (107)…
Như vậy, chỉ có ba tỉnh thành đã dũng cảm chiến đấu phản công, mặc dù bị thất thủ: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định. Riêng Ninh Bình đầu hàng giặc là một nỗi ô nhục lớn. Đó là chưa kể Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, ba tỉnh này, chua xót thay, cũng ô nhục không kém gì!…
Vua Tự Đức liền mật sai Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết chọn một ngàn (1.000) quân, kéo về Từ Sơn, một huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh, cùng với tán lí Vũ Huy Thụy, tán tương Trương Quang Đản phối hợp canh giữ nghiêm ngặt. Hoàng Tá Viêm được kiêm sung tiết chế Bắc Kì quân vụ, đổng suất các tỉnh (108). Trần Đình Túc được giao nhiệm vụ thương thuyết, phải làm thế nào khiến bọn Françis Garnier rút quân (108). Vua Tự Đức mật dụ: “Cố nhiên [chúng rút] là tốt; tất bất đắc dĩ phải dùng đến [việc] đánh, thì cho [Hoàng] Tá Viêm điệu ngay quan quân các đạo cùng đánh” (108) .
Quan quân đang hành quân ra, ở Ninh Bình đường bị nghẽn! Ngẫu nhiên, Trần Đình Túc lại bị bệnh. Nguyễn Chính (Chánh), tả tham tri Bộ Lại, mới được thực thụ thượng thư Bộ Binh, người Bình Dương (Nam Kì), liền thay Trần Đình Túc, đổi làm thự tổng đốc Hà [Nội] – [Bắc] Ninh sung làm khâm sai phỏng định thương ước toàn quyền đại thần. Trần Đình Túc chỉ giữ chức tuần phủ Hà Nội, Nguyễn Trọng Hợp cũng chỉ chuyển làm bố chính sứ Nam Định.
“Vua lại bảo quan Cơ mật và Thương bạc rằng: “Thư của ta gửi đã lâu, tướng nước [Pháp] ấy điềm nhiên, [mà] sứ thần [ta tại Gia Định] cũng không báo [ra], [trẫm] rất là để ý mong. Nên viết thư ngay, phái quan mang đi, hội đồng với sứ thần [Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn] đến trách ngay trước mặt tướng [Dupré] ấy”. Quan Thương bạc đang nghĩ bản thảo, tiến [dâng] lên [vua], đình thần tâu rằng: “Tướng nước ấy từ khi sang [Gia Định] đến giờ, thường đem chức toàn quyền [đại thần bàn định điều ước] yêu cầu ta, [đó] là muốn chóng thành hoà ước, mà ta không chịu theo như lời xin vội. (Nguyên ta cố yêu cầu [Pháp] trao trả ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, hoặc một, hai tỉnh mới chịu định hoà ước, cho nên [ta] chưa phát giao [cho sứ bộ ta tại Gia Định] sắc và ấn toàn quyền). Cho nên, [bọn Pháp] bề ngoài làm ra lời nói nhún để khoản tiếp ta, bề trong sinh sự để quấy nhiễu ta. Nay [ta] muốn dẹp sự bạo động của An Nghiệp [:Françis Garnier], giải [toả] việc cấp bách ở Bắc Kì, không gì bằng theo ngay ẩn tình của tướng Du Bi Lê [:Dupré], thuận làm cho xong, ngõ hầu được việc nhanh chóng.
Vua cho lời tâu là phải, bèn phát giao sắc, ấn toàn quyền đại thần, chuẩn cho sứ thần Lê Tuấn làm toàn quyền, Nguyễn Văn Tường làm phó, cho được cùng tướng [Dupré] ấy định hoà ước. Sau, sắc [và] ấn phát đến Gia Định. Tướng nước [Pháp] ấy nghe tin, lập tức đến mừng [xã giao]. Sứ thần [ta] nhân [dịp đó] cùng tướng [Dupré] ấy thương thuyết. [Sứ thần ta] bảo rằng: “Hoà ước mới nay có thể định được, nhưng hiện nay việc ở Bắc Kì quyết liệt, xin xử trí giúp cho xong sớm, [sau đó] định ước mới tốt”. Tướng nước [Pháp] ấy chắc là [một khi] đã được [vua Tự Đức chấp nhận] người toàn quyền, tất có thể định được hoà ước. [Y] bèn viết thư sức [:ra lệnh] ngay cho An Nghiệp [:Françis Garnier] phải rút, để cho quan ta vào thành làm việc. (Thư có hai bản, một bản phái tàu thuỷ đệ giao, một bản phát đi đường bộ, hiện giao cho Nguyễn Văn Tường mang về tâu vua biết rồi phát sau).
Lại bàn cho Nguyễn Văn Tường kèm dẫn thống sát là Hoắc Đạo Sinh (có tên nữa là Phi Lặc [:Philastre]) [cùng] đi tàu thuỷ hộ tống bốn viên phải [giặc Pháp] bắt ở Hà Nội [mươi hôm] trước mà nước Pháp phái chở về [Gia Định], giao trả lại.
Thuyền đến Đà Nẵng, [phái đoàn hai bên] lên đi đường bộ về kinh [đô Huế].
[Từ Đà Nẵng,] Phan Đình Bình về [kinh bằng ngựa trạm] trước, tâu rằng: “Tôi theo sứ thần [Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn] đến biện thuyết với tướng nước Pháp; tướng [Dupré] ấy đã thuận nghe, sức [:ra lệnh] ngay cho An Nghiệp giao trả thành tỉnh Hà Nội. Đến khi xuống tàu, lại được tin ba tỉnh [mất thêm], báo tiếp [vào], Nguyễn Văn Tường lại nói với thống sát Hoắc Đạo Sinh [:Philastre], yêu cầu viên [Philastre] ấy viết thư riêng bảo An Nghiệp phải theo lệnh tướng [Dupré] đem cả bốn (04) tỉnh [Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định] giao trả một thể. Thư của tướng nước [Pháp] ấy và thư của viên thống sát [Philastre] ấy hiện mang về, đợi phái.
Khi Hoắc Đạo Sinh [:Philastre] đến kinh [đô Huế], vua chuẩn cho yên nghỉ ở Sứ quán. [Vua lại] sai bọn Lê Bá Thận, Nguyễn Hữu Lập khoản tiếp, an ủi. Hoắc Đạo Sinh [:Philastre] vui mừng nói rằng: “Được triều đình khoản đãi trọng thể như thế, cảm tạ không biết chừng nào!”” (110)
.
Như thế là phó sứ Nguyễn Văn Tường và thống sát Pháp Philastre đã về đến Huế.
Lúc này, với chức năng khoản tiếp sứ giả Pháp, Lê Bá Thận và các quan đã thuyết phục Philastre: Philastre nên cùng Nguyễn Văn Tường ra Bắc Kì giải quyết tại chỗ việc trao trả bốn tỉnh vừa bị Garnier đánh chiếm, sau đó mới có điều kiện thuận lợi để vào lại Gia Định định “hoà” ước (111). Philastre nói, Philastre chỉ có lệnh ra đến Huế rồi vào để định “hoà” ước, và Philastre sợ viên thuyền trưởng đang ở Đà Nẵng không chịu ra Bắc, vì viên thuyền trưởng ấy cũng không có lệnh ra Bắc như thế. Nhưng các quan ta thuyết phục mãi, Philastre bèn đồng thuận. Thư của hai bên viết gửi vào Đà Nẵng cho viên thuyền trưởng, y nhận được, đọc xong, cũng thuận theo như đề nghị (111).
Vua Tự Đức những muốn cho Phan Đình Bình cùng phái đoàn hai bên ra Bắc Kì, vì trước khi Hà Nội thất thủ và Phan Đình Bình bị bắt vào Gia Định, ông vốn là khâm sai đại thần, trợ giúp cho khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương. Phó sứ Nguyễn Văn Tường thưa: Khi còn ở tại Gia Định, có nghe bọn quan Pháp nói, Françis Garnier vốn ngờ Phan Đình Bình, lúc Phan Đình Bình bị bắt vào ở Gia Định, Phan Đình Bình đã trách Françis Garnier, chỉ rõ “chỗ kém [cỏi]” của hắn, ngay trước mặt Dupré, nên tướng Pháp Dupré bảo Françis Garnier phải rút khỏi Bắc Kì. Dẫu sao, khi đã ngờ ghét nhau, rất khó trao đổi. Đã thế, nếu lần này Phan Đình Bình cùng đi, thì sợ rằng Françis Garnier gây thêm trở ngại. Vua Tự Đức cho là phải (112).
Phan Đình Bình vốn rất biết ơn Nguyễn Văn Tường, lúc cùng các quan Hà Nội khác bị bắt vào Gia Định, nhờ “sứ thần Nguyễn Văn Tường hết sức cứu gỡ được khỏi” (113) bị Pháp chở về nước Pháp. Nay một lần nữa, Phan Đình Bình thoát nạn, khỏi bị khiển trách không làm trọn chức năng khâm sai, và trong thời gian bị giặc bắt, vẫn giữ được khí tiết, dám tranh biện về bọn quan giặc với tướng giặc… Mới cách đây mấy hôm, khi tàu thuỷ vừa cập bến Đà Nẵng, Phan Đình Bình đã khôn ngoan tranh thủ phi ngựa trạm về kinh đô Huế, tâu trước với ý báo công, nhằm tránh bớt sự giáng phạt, Nguyễn Văn Tường cũng thông cảm cho ông ta…
Vua chuẩn cho phó sứ Nguyễn Văn Tường sung làm khâm sai đại thần cùng với Philastre ra Hà Nội (112). Ngày mùng một tháng mười một nguyệt lịch (20.12.1873), phái đoàn hai bên vào Đà Nẵng để lên tàu ra Bắc (112). Phó sứ Nguyễn Văn Tường và mọi người vẫn chưa kịp hay Tráng Liệt bá Nguyễn Tri Phương đã qua đời vào đúng ngày hôm ấy.
Vụ gây biến ở Bắc Kì, do Jean Dupuis và Françis Garnier cố tình tạo ra, là vốn theo kế hoạch của bọn chóp bu tại nước Pháp và của nhiều đời thống đốc Pháp tại Gia Định, từ De la Grandière đến Dupré. Nhưng vụ gây biến ấy, nó không ngừng tại đó một cách êm xuôi, khoái trá đối với bọn thực dân.
Chiến bại, ta làm sao đàm phán thắng lợi hoặc ít ra không đến nỗi quá bị ép chế? Phải buộc bọn Pháp ngoa ngạnh sáng mắt ra, phải trả nợ với giá chúng đã vay!

8

Cuối trung tuần tháng mười nguyệt lịch, ngay sau khi Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định lần lượt rơi vào tay giặc Pháp, Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết đã được mật dụ kéo quân về trung châu Bắc Kì. Trong tình huống hai bên, Pháp và Đại Nam, đều bị bó buộc bởi “hoà” ước Nhâm tuất 1862, Pháp sử dụng tên lái súng phi chính phủ Jean Dupuis để gây hấn, ta không thể không sử dụng Lưu Vĩnh Phúc, một tên người Hoa vốn là giặc Cờ đen đã quy phục, nay chiến đấu như một hiệp sĩ cũng thuộc loại phi chính phủ để đối trọng. Lưu Vĩnh Phúc cũng thực tâm quyết chiến đấu để trả ơn chiêu phủ với triều đình Đại Nam, mà người trực tiếp ban ơn cho ông ta là Nguyễn Huy Kỷ, Trần Doãn Đạt và các tướng tá các quân thứ, Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương… Tin Nguyễn Tri Phương đang tuyệt thực để giữ khí tiết một danh tướng trong sự giam giữ của giặc Pháp khiến quan binh đều xúc động, Lưu Vĩnh Phúc cũng rất đỗi cảm phục. Và không thể nhẫn nhục, cam đành bại trận, thất thủ đến mức tổn hại cho việc đàm phán “hoà” ước mới và thương ước đang hình thành. Do đó, phải chiến, phải dằn mặt bọn Françis Garnier và Jean Dupuis!
Lưu Vĩnh Phúc, trước đây mươi hôm, được mật lệnh kéo quân về đóng tại xã Hương Canh, thuộc huyện Từ Liêm. Đầu tháng mười một nguyệt lịch này, ông tiến quân đến xã An Quyết, giáp cửa ô phía tây thành Hà Nội (114).
Françis Garnier đang say sưa trong chiến thắng. Hôm qua, danh tướng Đại Nam, người mới bị chính y đánh bại, vừa trút hơi thở cuối cùng, y càng thấy đời sĩ quan thực dân của y thêm danh giá! Sáng chủ nhật này, 21.12.1873, Françis Garnier vừa đi dự thánh lễ mi-sa do giám mục Puginier cử hành xong, lòng khoan khoái lạ lùng.
Françis Garnier đi về phía dinh cơ của các quan Đại Nam mới được cử tới thương thuyết với y. Y thấy mình trở nên quan trọng hẳn lên, mặc dù quân hàm y mang trên ve áo chỉ là quan ba (đại uý). Y thấy các đại thần hàm tước rất cao và khá cao như Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội (115) trở nên bé nhỏ tội nghiệp hẳn đi. Françis Garnier mỉm cười, thấm hiểu giá trị của sức mạnh vũ khí! Vũ Khí, ấy là tất cả! Mọi giá trị tinh thần khác, với y, lúc này, đều vô nghĩa và láo toét!
Các quan Đại Nam đang miễn cưỡng phá lệ đứng dậy đón tiếp y.
Françis Garnier ngồi xuống, rút từ cặp xách tay bản thương ước do chính tay y soạn thảo và đã niêm yết bản sao ở hầu hết các tỉnh Bắc Kì này. Trong các bản niêm yết ấy, Françis Garnier không ngượng ngùng tự xưng mình là Le grand mandarin Garnier! Quan lớn Garnier! Quan đại thần Garnier! Rất hẳn hoi!
Đang cùng bàn luận vài điểm, mọi người đều ngạc nhiên khi có một tên lính Pháp vội vã chạy vào thưa với Françis Garnier, giọng căm tức:
- Thưa đại uý, có một bọn người Hoa đến khiêu khích, nhục mạ chúng ta và cả nước Đại Pháp quang vinh!
- Mày nói sao? Có điên không đấy? – Françis Garnier phẫn nộ trong ngơ ngẩn, kinh ngạc –.
- Vâng, thật như vậy, bọn chúng nguyền rủa cả Tổ quốc Đại Pháp của chúng ta là đất nước của bọn ăn cướp. Chúng kêu cả tên đại uý để chửi. – Tên lính Pháp hơi ấp úng, không dám nhắc lại một điều phạm thượng đến mức khủng khiếp nhất –. Vâng, chúng còn… chúng còn…
Françis Garnier đứng bật dậy, mặt vốn trắng bạch, bỗng rần đỏ như tôm luộc. Quên cả phép lịch sự tối thiểu, y chụp ngay cổ áo tên lính:
- Nói ngay! Chúng còn làm gì?
Tên lính Pháp vốn xanh lè mắt lại càng xanh lè hơn:
- Chúng trói tên lính gác của ta,… kéo cờ Tổ quốc Pháp xuống, … giẫm chân lên và khạc nhổ vào lá cờ tam tài ấy!
Bộc lộ rõ bản chất lưu manh của một tên sĩ quan trẻ không đến nỗi vô học, Françis Garnier văng tục rất bẩn, lao ngay ra cửa, quên phắt cả một câu chào những vị quan Đại Nam và đồng bọn y, trong đó có giám mục Sohier (Bình), linh mục Dangelzer (Đăng), đang hiện diện ở tiền sảnh.
Trần Đình Túc liền nói với theo:
- Tất nhiên đó không phải là quân của chúng tôi, mà chỉ là bọn côn đồ người Khách!
Sohier dịch nhanh ra tiếng Pháp, và tin chắc Françis Garnier đang chạy vội cũng kịp nghe rõ.
Bỗng những quả đạn pháo rơi xuống trên sân! Thế là bọn này đánh thành sao? - Françis Garnier chợt nghĩ –. Y lập tức nhảy lên thành quan sát. Đằng xa, phía cửa Tây Nam, Françis Garnier thấy một toán quân lố nhố đang vây quanh mấy khẩu thần công vác vai. Y nâng ống nhòm, thấy rõ đó là những người Tàu dưới lá cờ màu đen tuyền.
Françis Garnier ra lệnh nả đại bác. Súng của y sử dụng khá chính xác. Toán quân Cờ đen thối lui, vác súng tìm chỗ núp.
- “Ta không thể nào để một địch quân như vậy ở cách thành chỉ một ngàn thước” (115) . – Françis Garnier nói –.
Françis Garnier ra lệnh cho mấy sĩ quan bên cạnh và một tiểu đội theo y ra mở cửa thành. Toán giặc Pháp này quyết tâm truy kích quân Cờ đen. Y chia quân thành bốn nhóm: 3 tên kéo súng nặng đi sau cùng, còn lại chín (09) tên, chia làm ba (03) nhóm, nhóm Françis Garnier phóng ngựa (114) đi giữa. Kéo quân đi khỏi thành khoảng một ngàn rưỡi (1.500) mét, khi đến trước cái đập tại Ô Cầu Giấy, ngựa Françis Garnier vấp chân, y té ngã. Quân Cờ đen đang mai phục, thấy dịp may đã đến, liền vượt bờ đập trèo qua, chĩa súng bắn. Hai (02) tên lính Pháp chết ngay tại chỗ, hai (02) tên khác bị thương, nằm lăn lộn trên đất. Garnier cũng đã kịp rút súng lục bắn sạch sáu viên đạn. Nhưng chưa kịp thay băng đạn mới, những lưỡi đao sáng quắc đã vung tới, chém lên mình tên nhãi nhép thực dân những nhát đầy căm uất (114) (116).
- Cắt lấy đầu, mang đi! Thế là đủ cho chúng biết lễ độ! Rút! – Lưu Vĩnh Phúc nói –.
Không ai khác, chính Lưu Vĩnh Phúc đưa một nhát rất ngọt ngang chiếc cổ đầy tàn nhang của Françis Garnier, và túm lấy mái tóc vàng hoe của hắn, nhấc lên, nhảy phóc lên lưng ngựa, phóng đi. Toán quân vác súng, lên ngựa, chạy theo.
Tên chuẩn uý Balny đang chạy tới với nhóm lính Pháp của hắn, ngơ ngẩn nhìn cái xác không đầu của Françis Garnier và mấy cái xác đồng bọn bên cạnh. Balny không ngờ Lưu Vĩnh Phúc vẫn còn cho quân mai phục, bởi ông biết thế nào bọn Pháp cũng sẽ đến nhặt xác tên chủ tướng quan ba tép riu Françis Garnier. Những phát súng của quân Cờ đen bắn thật chính xác ở cự li gần, tiếp sau đó là những lưỡi đại đao ngời màu thép trắng. Trọn nhóm Balny rụng xuống không sót một tên (116).
Năm chiếc đầu giặc bị chém: một (01) quan ba (Françis Garnier), hai (02) quan một (Balny…), hai (02) tên khác không mang quân hàm (114).
Cả Hà Nội và các tỉnh lân cận bị quân của Françis Garnier đánh chiếm đều truyền tin chiến thắng ấy đi, với sức mạnh ngầm. Đối với bọn Pháp và “tả đạo”, nhất là những tên cơ hội mới ra mặt làm tay sai cho Pháp, tin ấy như địa chấn, làm rúng động chúng đến tận tim đen. Bọn Hán gian (Hoa kiều) mới hôm đầu tháng mười một nguyệt lịch, Quý dậu (1873), còn hãnh tiến với chức quan tay sai do Françis Garnier giao cho, bấy giờ đã toan gây biến khi thấy Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội, Hoàng Đôn Điển, Sohier, Dangelzer đến gặp Françis Garnier để thương thuyết (117), lúc này lại run rẩy với mức độ không kém bọn dân “tả đạo”. Số lượng dân Bắc Kì, cả lương lẫn giáo, cam tâm hoặc nhiệt tình làm tay sai cho Françis Garnier lên đến con số kinh hoàng: một vạn hai (12.000) đến một vạn tư (14.000) tên “lính bản xứ” (118)! Trong lực lượng Việt gian, phản quốc đó, tất nhiên giáo dân “tả đạo” vẫn chiếm tuyệt đại đa số, và một số không ít khác vốn là những kẻ bất mãn, như Hồ Văn Vạn, sử dụng chiêu bài phù Lê (119)!
Françis Garnier bị hạ sát, sự thể ấy khiến bọn quan lính thực dân Pháp mất khí phách, căm thẹn, nhưng vẫn cứ ngoan cố, chỉ một mực đòi định ngay thương ước như cũ. Một tên quan hai được chúng tự bầu lên thay Françis Garnier. Tên này mặc dù tim đập chân run, cũng cố trương gân cổ khẳng định chúng vẫn không nao núng. Y bảo: định thương ước xong mới giao trả các tỉnh (120).
Hay tin, vua Tự Đức cho rằng “đoàn quân của họ Lưu nhử giết được An Nghiệp [Françis Garnier] chỉ do mưu kế nhất thời. Nếu đường đường chính chính cùng nhau chọi được, tưởng cũng khó giữ lâu. Hiện nay việc thương thuyết đã gần có đầu mối. Nói chung xử trí toàn cục, tất không chỉ dựa vào đoàn quân ấy [mà] xong việc được. Nên sai về chặn ở thượng du là ổn” (121). “[Nhà vua] bèn xuống dụ bảo Hoàng Tá Viêm, Tôn Thất Thuyết rằng: “Đương lúc có việc này, lại biết cổ động cho quân đội hăng hái, giương thanh thế cho quân địch phải sợ, đại cục nhân đấy mà thoả thuận, thực rất vui mừng…”” (121) .
Nhưng lúc sắc dụ chưa ra đến, Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết cũng chưa rút quân. Họ trả lời các quan trong nhóm Trần Đình Túc: “Tướng ở ngoài chỉ biết lo đánh giặc. Nếu quả có dụ chuẩn cho giảng giải [thương thuyết], nên phái viên [quan] đi đến quân thứ bảo cho biết rõ, mới dám cậy tin” (122) . Nhóm Trần Đình Túc phải đến ngay, trực tiếp bàn bạc, Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết mới ra lệnh đóng quân không động tĩnh, với hạn định chỉ bất động tĩnh trong ba ngày.
Bọn Pháp tại Hà Nội vẫn khăng khăng mặc cả các khoản “hoà” ước mới, trong đó có một điều: “nước [Pháp] ấy đã đặt quan lại [do Pháp chọn], [triều đình nước Đại Nam] vẫn để cho làm việc, không được bãi bỏ” (123)!
Tên thực dân cáo già Dupré tại Gia Định hay tin Françis Garnier chết, liền cử Esmez ra thay (123).
Hai bên lại tiếp tục bàn định, ngay cả vào ngày lễ Giáng sinh của Thiên Chúa giáo (25.12.1873 [06.11, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu] (124)).
Trần Đình Túc lại được chuẩn làm khâm sai phỏng định thương ước toàn quyền đại thần (125). Quan họ Trần (người Quảng Trị) này với Nguyễn Trọng Hợp (người Hà Nội) sẽ cùng với khâm sai đại thần Nguyễn Văn Tường định điều ước thông thương. Nguyễn Chính (Chánh) lại được trả chức, và được sung làm Bắc Kì kinh lược sứ, nhưng vẫn ở lại Thanh Hoá lo việc trấn áp bọn xuẩn động (125).
Ngay sau vụ hạ sát Françis Garnier, tình hình vẫn chưa yên. Giặc biển Tàu Ô lại chiếm đánh Hải Dương, nhưng bị quân ta đánh tan (126). Quân gian theo “tả đạo” lại lấy cướp đồ thờ ở đền Sùng Sơn (thuộc núi Tam Điệp, Thanh Hoá) để khiêu khích (127)!
Trong những ngày đó, phó sứ Nguyễn Văn Tường và thống sát Philastre cùng hai đoàn tuỳ tùng đang từ Đà Nẵng đi tàu thuỷ ra Bắc Kì, trên chiếc Đát Tờ Gi (D’Estrées) (128).

Hết tệp 3 truyện kí thứ 7


Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 7 vào lúc 11 giờ kém 05,
ngày 09.11.2002
(05.10 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(74) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 328.

(75) Thư Françis Garnier, trong cuốn: Françis Garnier l’assaut des Fleuves của Roger Vercel, dẫn theo Đào Đăng Vỹ, NTP., sđd., 1974, tr. 186 – 187.

(76) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 329.

(77) Thư Françis Garnier, trong cuốn: Françis Garnier l’assaut des Fleuves của Roger Vercel, dẫn theo Đào Đăng Vỹ, NTP., sđd., 1974, tr. 187 – 188.

(78) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 330 – 331.

(79) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 336.

(80) NTP., sđd., 1974, tr. 179.

(81) NTP., sđd., 1974, tr. 192 – 193.

(82) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 520 – 521.

(83) NTP., sđd., 1974, tr. 190 – 191; L.E. Louvet, Vie de mgr. Puginier, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 82.

(84) CXL., sđd., 2001, tr. 302.

(85) NTP., sđd., 1974, tr. 193.

(86) NTP., sđd., 1974, tr. 194 – 195.

(87) Thư Françis Garnier, trong cuốn: Françis Garnier l’assaut des Fleuves của Roger Vercel, dẫn theo Đào Đăng Vỹ, NTP., sđd., 1974, tr. 87.

(88) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 336.

(89) NTP., sđd., 1974, tr. 210 – 212.

(90) NTP., sđd., 1974, tr. 197, 201; CXL., sđd., 2001, tr. 304.

(91) NTP., sđd., 1974, tr. 200; ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 349.

(92) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 336.

(93) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 336 – 337.

(94) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 337 – 338.

(95) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 480.

(96) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 337, 339.

(97) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 337.

(98) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 338.

(99) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 338 – 339.

(100) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 339. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 515: “Thành Hà Nội thất thủ rồi, quan ta thì trốn tránh đi cả, giặc cướp lại nổi lên. Đại uý Françis Garnier lại cho những người về theo với mình đi làm quan các nơi để chống với quan triều, rồi lại sai người đi đánh lấy tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương”.

(101) NTP., sđd., 1974, tr. 203.

(102) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 339 – 340; CXL., sđd., 2001, tr. 311 – 312. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 521: “Ở mạn Hải Dương và Quảng Yên thì vẫn có những người mạo xưng là con cháu nhà Lê, cứ quấy rối mãi. Khi Françis Garnier ra lấy Hà Nội, những người ấy về xin theo đi đánh quan ta, nhưng vì sau nước Pháp trả lại các tỉnh ở Bắc Kì, họ lại tản đi. Vả từ khi nước ta và nước Pháp đã kí hoà ước rồi, quan Pháp có đem binh thuyền đi đánh giúp, cho nên mới tiệt được đảng ấy”.

(103) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 340.

(104) CXL., sđd., 2001, tr. 340.

(105) NTP., sđd., 1974, tr. 203; CXL., sđd., 2001, tr. 340.

(106) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 340.

(107) CXL., sđd., 2001, tr. 312.

(108) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 341.

(109) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 341 – 342.

(110) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 343.

(111) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 343 – 344.

(112) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 344.

(113) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 336.

(114) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 349 – 350.

(115) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 348 – 349, 350.

(116) NTP., sđd., 1974, tr. 217, 216 – 218.

(117) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 349.

(118) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 359: một vạn hai (12.000) tên, hẳn chưa kể số quan chức tay sai. Theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, tr. 78: số “lính bản xứ”, tay sai ở Bắc Kì ấy là một vạn tư (14.000) tên!

(119) Jean Dupuis, xem chú thích (39).

(120) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 351.

(121) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 350.

(122) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 351.

(123) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 351.

(124) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 351.

(125) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 352.

(126) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 352 – 353.

(127) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 353 – 354.

(128) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 355.

Soạn xong phần chú thích
lúc 09 giờ 25 phút, ngày 14.11.2002
(10.10 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


HẾT TỆP 3
(PHÂN ĐOẠN 3, TRUYỆN KÍ THỨ 7)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

Xin xem tiếp TỆP 4
(phân đoạn 4, truyện kí thứ 7)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home