TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II A)

Monday, December 12, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II A)

Tệp 2 - Tập II
(PHÂN ĐOẠN 2, TRUYỆN KÍ THỨ 7)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm

TRẦN XUÂN AN

CƯỠNG ƯỚC “HỮU NGHỊ”
VÀ CƯỠNG ƯỚC THƯƠNG MẠI,
GIÁP TUẤT 1874


Truyện kí thứ bảy
(phân đoạn 2)

3

Sau bốn ngày, đến hôm hai mươi bảy tháng sáu nhuận (19.8.1873) (40), tàu sứ bộ Đại Nam mới hàn chữa gần xong hệ thống nồi hơi nước. Khoảng hai giờ chiều ngày mùng một tháng tám nguyệt lịch (23.8.1873) (40), tàu thuyền sứ bộ Đại Nam mới ra khơi. Nhưng lúc đến gần Nha Trang, thấy rõ cửa biển Cù Huân, tàu lại hỏng máy! Đến giờ ngọ, tàu thuyền cũng cập được bến để sửa máy! Mùng sáu, đoàn tàu thuyền sứ bộ mới lại ra khơi! Mùng bảy, đến Phan Thiết. Mùng tám, thấy rõ đằng xa là Cấp Saint – Jacques (Vũng Tàu) nhưng gió mùa dữ dội, tàu không thể đi tiếp. Mùng chín (31.8. 1973) (40), tàu cập bến Cấp, sứ bộ gửi thư đường bộ cho Dupré ở Sài Gòn. Mười một giờ, nhổ neo. Chín giờ tối hôm ấy, sứ bộ mới cho neo tàu thuyền tại bến Thủ Ngữ của thành phố trung tâm Gia Định, thủ phủ của Nam Kì (40). Khoảng mười giờ tối, Philastre, đặc phái viên của đề đốc hải quân đảm nhiệm chức vụ thống đốc Nam Kì Dupré, đến thăm hỏi các thành viên của sứ bộ Đại Nam, và hỏi ngày giờ họ định lên bộ. Nhưng trưởng đoàn, chánh sứ Lê Tuấn, không được khoẻ (40), cổ họng bị viêm nặng, cho dù túc trực bên ông là quan ngự y, những viên ngự y mà vua Tự Đức cử đi theo như lệ thường đối với các sứ bộ nước ta.
Một chuyến đi nhiều trắc trở, từ Huế vào Gia Định phải bị kéo dài tới hai mươi hai ngày đêm!
Dẫu sao, vào sáng sớm ngày mười tháng bảy ta (01.9. 1873), nghi thức đón tiếp sứ bộ Đại Nam cũng được diễn ra, với hàng loạt tiếng đại bác bắn chào, với những hàng quân tề chỉnh làm hàng rào danh dự, với xe ngựa, xe hơi (chạy bằng than đá), với thủ tục chào cờ hai nước (40)… Nhưng chính sứ Lê Tuấn bệnh, nên sứ bộ vẫn tiếp tục ở lại tại tàu (40)! Đến hôm sau nữa, ngày mười một nguyệt lịch, sứ bộ mới bắt đầu lên bộ trong một nghi lễ hết sức trang trọng. “Tại Dinh Đề đốc [Dupré] hiện đang có giám mục Mỹ [Colombert, Isidor-François-Joseph ], các cha Vị [Wibeaux, Théodore-Louis], Kerlan, Derval, các thành viên của Hội đồng tư riêng [:tư mật] của đề đốc, lãnh sự các nước Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch, Hoà Lan, và Hoa Kì, cùng với tất cả các viên chức cao cấp của [Phủ suý] Sài Gòn” (41).
Sau đó là nghi thức chào hỏi, đón tiếp, bố trí nơi sinh hoạt và làm việc, có cả sự thăm viếng lẫn nhau giữa hai phái đoàn Việt – Pháp (41).
Ngày mười ba tháng bảy ta (04.9.1873), công việc là dịch các thư từ vua Tự Đức gửi cho đề đốc Dupré (41).
Hai hôm sau, ngày mười bốn, mười lăm (05 – 06.9.1873), phó sứ bộ Nguyễn Văn Tường đến thăm các viên chức châu Âu. Đó là các lãnh sự của các nước Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch, Hoà Lan, và cả lãnh sự Hoa Kì ở phía bắc châu Mỹ (41). Đó là hai ngày đáng ghi nhớ. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, phó sứ Nguyễn Văn Tường luôn tìm cách thể hiện ý muốn nối kết bang giao và vận động sự ủng hộ của họ với mục tiêu triều đình đã đề ra: Pháp phải trả lại ba tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên (42) và buộc tên Jean Dupuis rút khỏi Bắc Kì, đúng theo tinh thần “hiệp” ước Nhâm tuất 1862 (42). Phó sứ Nguyễn Văn Tường luôn cho các viên hành nhân thông ngôn của triều đình đi kèm với các linh mục thông ngôn khác. Ông cố gắng nói một cách rõ ràng và giản dị, nhưng cũng không phải không tế nhị. Ông biết tại nơi đây, sứ bộ Đại Nam khó lòng được sự chia sẻ, hỗ trợ của những quốc gia da trắng. Nhưng tình thế Đại Nam không phải là không có khả năng như Xiêm và Trung Hoa, hai nước ấy không để bị độc chiếm bởi một nước da trắng. Đành rằng, bọn da trắng đều một giuộc, nhưng trong thực chất, chúng vẫn mâu thuẫn nhau về quyền lợi, phải kìm giữ nhau, hoặc đến mức thậm tệ thì cũng như một bầy sói tranh nhau miếng mồi, có khi quên bẵng miếng mồi để xoay ra cắn xé nhau… So sánh thế thì quá khập khiễng đến đáng sợ, nếu miếng mồi không đủ cho bầy sói chia nhau… Trong thực tế, dẫu sao, nếu thoát được thế trói buộc phải cam chịu sự độc chiếm của Pháp tại Nam Kì, hẳn quyền thống trị tại đây sẽ bị phân cực, Nam Kì sẽ được trung hoà giữa các cực. Trung hoà giữa quyền lợi của nhiều nước còn dễ thở hơn chịu thống trị dưới một chính quyền thực dân độc đoán, cực quyền! Phó sứ Nguyễn Văn Tường thấy điều khoản thứ tư của “hoà” ước Nhâm tuất 1862 là cả một khó khăn lớn! Chỉ bốn chữ “doãn hành tắc hành” mà thành cả vấn đề! “Doãn hành tắc hành” (ở khoản IV) có nghĩa là nếu vua Đại Nam muốn nhượng một phần đất nào đó cho một quốc gia khác thì phải được nước Pháp bằng lòng trước đã (43)! Phó sứ Nguyễn Văn Tường cũng ngỏ lời rằng sứ bộ sẽ đi thăm từng nước ở châu Âu và Hoa Kì, giấu kín mục đích “nhằm tìm ra một cường quốc nào đó đối thủ của nước Pháp bằng lòng giúp họ đánh đuổi người Pháp ra khỏi Bắc Kì và luôn cả Nam Kì. Khoảng giữa năm 1872, triều đình Huế cũng đã đón tiếp một vài người của một họ người Đức…” (44) . Nhưng rất tiếc, bấy giờ, triều đình Huế đã bị lừa, phải mua một chiếc tàu thuỷ cũ với giá rất cao của Hãng Carlovits và Công ty, thực chất hãng này là bọn giả mạo trong trang phục sĩ quan Đức, đang đóng kịch làm chức năng những nhà ngoại giao của Đức (44). Tuy năm ngoái thất bại vì bị lừa, năm nay, trong chuyến đi sứ này, triều đình Huế cũng đã đưa ra mục tiêu tìm sự ủng hộ ấy. Tất nhiên, biết là khó khăn, phó sứ Nguyễn Văn Tường vẫn kín đáo ngỏ ý với đại diện của các nước hiện đang có mặt. Đó là những lãnh sự thuộc các nước Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch, Hoà Lan, và cả lãnh sự Hoa Kì ở phía bắc châu Mỹ (41). Ông cố gắng nói điều đó thật kín kẽ để tránh tai mắt của Pháp ngay tại nơi vốn là Sứ quán Gia Định thuộc Pháp này.
Sau khi nhận thư mời nhóm họp, đến ngày mười bảy ta (08.9.1873), quả như phỏng đoán trước, tên thống đốc Dupré “trình bày đủ mọi lí do can gián các sứ quan [:sứ thần] đi Pháp và chứng minh cái lợi điểm kí kết hoà ước ngay tại Sài Gòn này” (45). Rõ ràng Dupré đã biết ý định tìm những nước ủng hộ của sứ bộ Đại Nam, cho dù phó sứ Nguyễn Văn Tường nói kín đáo đến đâu! Tuy vậy, đó chỉ là một cách li gián các lãnh sự của những nước hiện đang có mặt. Bản thân phó sứ Nguyễn Văn Tường cũng như các thành viên sứ bộ đều hiểu, đằng sau Pháp còn có liên minh xâm lược của hàng chục nước thực dân Âu Mỹ. Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch, Hoà Lan, và cả Hoa Kì đều làm hậu thuẫn cho Pháp, muốn được chia chác quyền lợi với Pháp trên đất Đại Nam này! “Hiệp” ước này trực tiếp kí với Pháp, nhưng thực chất là phải chấp nhận mở cửa xuất nhập khẩu cho nhiều nước thực dân Âu Mỹ! Biết vậy, nhưng phải vừa tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước cho Đại Nam, vừa là cách li gián chúng trong mức độ nào có thể li gián được, đến mức chúng quay ra đánh nhau, lại càng thuận lợi cho nước ta. Phó sư Nguyễn Văn Tường suy nghĩ và bàn với chánh sứ Lê Tuấn như thế.
Ngày họp thứ hai, mười tám tháng bảy nguyệt lịch (09.9.1873) (45), chánh sứ Lê Tuấn đề cập đến việc đề đốc De la Grandière bức chiếm ba tỉnh Miền tây Nam Kì, và cũng yêu cầu phải trả lại cho Đại Nam. Tất nhiên tên cáo già Dupré không đời nào chịu! Chánh sứ Lê Tuấn xin ngưng cuộc họp. Và Hoắc Đạo Sinh (Phi Lặc, Philastre) được Dupré phân công bàn về việc ấy (45)!
Hôm sau, sứ bộ bàn bạc với Philastre (45). Hôm sau nữa, chánh sứ Lê Tuấn lâm bệnh nặng (45), hầu như khản câm cả giọng, và cuống họng bị sưng vù, nóng bỏng. Các ngự y đi theo chăm sóc thuốc thang, gồm những loại thuốc quý nhất của Thái y viện, bệnh vẫn chưa kịp thuyên giảm. Nhưng rồi cũng chỉ phó sứ Nguyễn Văn Tường và tham biện Nguyễn Tăng Doãn phải tiếp tục đàm phán với Philastre về việc De la Grandière vi phạm “hoà” ước Nhâm tuất 1862. Không đi đến đâu!
Ngày hai mươi bốn tháng bảy Nam (15.9.1873) (45), chánh sứ Lê Tuấn vẫn sốt mê man, nên lịch trình các buổi họp đành ngưng lại.
Ngày hai mươi lăm (16.9.1873) (45), các sứ thần Đại Nam gửi đến Dupré một bản văn thư với nhiều yêu cầu:
1. Pháp trả lại ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
2. Bãi bỏ “doãn hành tắc hành”.
3. Xin chuộc lại một phần đất trong mỗi tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà.
Nếu Pháp đồng ý ba khoản như thế, Đại Nam vẫn bồi thường toàn bộ số “chiến phí” (ngạo ngược!) còn lại (45).
Hôm sau, Dupré phúc đáp với lời khước từ các yêu cầu của sứ bộ ta (45).
Hai ngày qua là hai ngày hội nghị bằng bút đàm do chánh sứ Lê Tuấn bị dậy cơn bệnh viêm yết hầu mạn tính. Tất nhiên, không khí thật không dễ chịu chút nào. Các cuộc họp vẫn không thể không ngừng lại và cũng không thể không rơi vào bế tắc.
Dupré báo cáo về Pháp, chính phủ Paris trả lời cho y vào ngày 22.10.1873:
“Trả lại sự quản trị ở ba tỉnh [Miền tây Nam Kì] để đổi lấy “bảo hộ”, thực sự phải có ý nghĩa là ta phải chiếm cả nước An Nam; tuyệt đối phải được như vậy, phải có đủ bảo đảm thì ngài mới nên kí. Nên đòi chiến phí hằng năm bằng tất cả hoa lợi của ba tỉnh” (46).
Đúng là cuồng vọng tham lam của thực dân Pháp!
Thế là đã trôi qua một tháng bảy nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873)! Tính thêm hai mươi hai ngày trên đường biển, vậy là đã năm mươi hai ngày đêm!
Trong lúc đó, vào cuối tháng bảy nguyệt lịch, Cơ mật viện thấy đã đến lúc không thể không hạch rõ tội ác của Jean Dupuis. Jean Dupuis bấy lâu ngang ngược làm càn: “đánh nguyên đốc học Lê Đình Diên [đến mức] bị thương; bắn chết lí trưởng xã Kim Liên; ngầm chở [súng đạn,] muối gạo, [bí mật câu kết] giao thông với giặc [Cờ vàng] Hoàng [Sùng] Anh” (47) … Không những thế, Jean Dupuis còn “đánh hành khách bị thương, bắn chết binh dân, bức hiếp phố chợ, bao vây để [độc quyền] mua hàng hoá” (48)… Bọn Jean Dupuis còn “đi đến [địa] phận sông huyện Hạ Hoà, tỉnh Sơn Tây, [nơi Trần Bình trấn nhậm, chúng] cướp bóc bừa bãi, [như] bắt hiếp thuyền dân, bắn chết quân lính, cướp lấy súng và khí giới, chặt đứt bè cốn” (49) … Tất cả là do ý đồ của thực dân Pháp, mượn tay Jean Dupuis nhằm khiêu khích để gây chiến ở Bắc Kì, đi đến việc xé bỏ “hoà” ước Nhâm tuất 1862, lập “hoà” ước mới, và cũng do hai tên Hán gian, Hoa kiều Bành Lợi Ký, Quan Tá Đình câu kết, dẫn đường cho Jean Dupuis (50)! Triều đình đã gửi công văn với nội dung ấy cho Dupré và tổng đốc Quảng Châu (Trung Hoa), nhưng đã chẳng thấy tăm hơi gì (51)! Nói đúng ra, nhà Thanh cũng có phúc đáp thư, tuy xác nhận tuần vũ Vân Nam họ Sầm và đề đốc Phùng Tử Tài có đặt mua súng đạn, quân trang ở Jean Dupuis, nhưng nội dung thư cũng chỉ qua loa, đại khái (51)!
Bọn Pháp cũng đã lường trước từ lâu về mối quan hệ láng giềng và đồng chủng Việt – Hoa, nên chúng đã liên minh với tuần vũ Vân Nam và tổng đốc Quảng Châu, hứa chia sẻ quyền lợi với Trung Hoa sau khi khai mở được tuyến sông Hồng và khai thương trên đất Bắc Kì.
Ngày 01.09.1873, Dupré viết gửi cho tuần vũ Vân Nam: “Ngài chớ lo lắng gì đến một việc mà tôi phải lo lắng. Ngài cũng không cần gửi quân để ủng hộ ông Dupuis” (52) . Cũng vào một ngày ấy, Dupré viết thư cho tổng đốc Quảng Châu: “Nếu tôi để cho ngài cả cái gánh nặng nề là bảo vệ quyền lợi thương mại ở Bắc Kì [vốn] gần gũi [với] Sài Gòn, thì đó sẽ là một điều bất công… Trong những điều kiện đó, thì sự có mặt của quân đội Trung Quốc trên nước An Nam còn có lợi gì đâu? Đường sá xa xăm và khó nhọc, nước lại độc, nếu nuôi quân ở đó thì hao tốn lắm. Lòng ngài không thể không đau xót. Cho nên tôi xin ngài rút quân Lưỡng Quảng về và cả quân Vân Nam nữa để cho họ khỏi bị đồn trú xa xôi mệt nhọc và nguy hiểm” (52) .
Như thế, rõ là bọn Pháp đã mua chuộc và khôn khéo lôi kéo Trung Hoa về phía chúng, hòng cô lập Đại Nam ta. Cho nên, không lạ lùng gì khi Cơ mật viện đệ thư qua Vân Nam, Quảng Châu, chỉ nhận lại thư phúc đáp qua loa, đại khái!
Cơ mật viện đề nghị quan khâm mạng Nguyễn Tri Phương phải bắt ngay bọn Bành Lợi Ký, Quan Tá Đình, giao cho tỉnh Sơn Tây xích trói lại để nêu gương cho bọn sâu mọt trong nước (50). Nhà vua vẫn sợ gây khích biến, bảo giao cho Nguyễn Tri Phương xét kĩ để làm thế nào cho ổn thoả!
Nguyễn Tri Phương đã uỷ cho bố chính Hà Nội Vũ Đường (Đàng) mời Jean Dupuis đến Sứ quán để cùng nói chuyện. Y đi vắng! Hẳn y tìm cách tránh mặt! Tên người Hoa Lý Ngọc Trì tự xưng là tri phủ “thiên triều” nhà Thanh cũng cứ ở trong tàu của Jean Dupuis, thác cớ bị ốm, chỉ cho thuộc viên là hai tên Uông Sư Đa, Hà Sằn đến Sứ quán bàn thay (53)! Thật mất thể cách!
Nguyễn Tri Phương thấy sự nhẫn nhịn theo lệnh vua Tự Đức đến thế đã là quá mức. Ông cảm thấy không thể chịu nổi nữa! Binh bộ hữu tham tri Phan Đình Bình liền được điều động ra Bắc Kì (54) với chức năng khâm phái để cùng quan khâm mạng Vũ hiển họ Nguyễn bàn bạc, xử trí tình huống Jean Dupuis. Vua Tự Đức vẫn âu lo vụ việc sẽ nổ bùng thành chiến tranh, và rất sợ hãi trước nguy cơ thất bại không thể tránh khỏi, nếu thật sự chiến tranh nổ ra!
Jean Dupuis vẫn tiếp tục gây hấn bằng nhiều hành vi ngang ngược, ít ra là từ tháng mười một nguyệt lịch năm ngoái đến cả tháng tám, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873) này. Bên cạnh y vẫn luôn có thiếu tá thuyền trưởng tàu Bô Liên (Bô Len, Bourayne) yểm trợ. Ấy là Senès, kẻ đã và đang ngoa ngược bảo rằng tàu của y đi đánh bắt hải tặc theo “hoà” ước Nhâm tuất 1862! Trên tàu Bourayne lại có mặt cố đạo Trường (Legrand de la Liraye) (55), vốn trước kia là quân sư của Pierre Tạ Văn Phụng, nay đang tham mưu về Bắc Kì cho Senès. Ngoài ra, các tên thống đốc thực dân Nam Kì và cả Dupré còn chuẩn bị sẵn từ nhiều năm trước con bài chủ cho sự biến Bắc Kì: không ai khác là Françis Garnier!

4

Ngày mùng năm tháng tám nguyệt lịch (26.9.1873), phó sứ Nguyễn Văn Tường được chánh sứ Lê Tuấn uỷ nhiệm cùng linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư đến dinh thống đốc Dupré để đàm luận nhiều vấn đề liên quan đến hai đất nước, của Pháp và của Việt (56). Nguyễn Văn Tường cố nhấn mạnh đến khó khăn hiện nay của Pháp để cảnh tỉnh tham vọng ở tên cáo già Dupré. Trên cơ sở đó, Nguyễn Văn Tường mong Pháp hãy xem hai tỉnh Alsace và Lorraine Pháp phải cắt nhượng cho Đức cũng như tình trạng Đại Nam phải nhượng và bị cưỡng chiếm Nam Kì bởi Pháp! Ông mong Dupré và nước Pháp hiểu cho nỗi đau lòng của ông và của triều đình, của sĩ dân nước Đại Nam trước số phận nhân dân Nam Kì. Nỗi đau ấy cũng như tâm trạng nhân dân Pháp và chính phủ Pháp đối với đồng bào của họ ở Alsace, Lorraine! Cuối cùng, sau những lời lẽ tâm công đó, phó sứ Nguyễn Văn Tường bày tỏ yêu cầu Dupré tỏ ra thuận lợi đối với Đại Nam. Tên cáo già Dupré hơi chạnh lòng, y đề nghị Nguyễn Văn Tường viết thỉnh nguyện thư gửi Chính phủ Cộng hoà Pháp (56).
Trong quãng cách giữa những ngày làm việc, sứ bộ còn được các giám mục, linh mục Tây dương đưa đi tham quan thực tế ở các chủng viện, trường học do họ tổ chức, quản lí!
Dẫu biết do thực dân đạo diễn, bày vẽ, phó sứ Nguyễn Văn Tường không thể không cảm động đến đau lòng khi nghe các câu hát chào và thỉnh nguyện từ môi những đứa trẻ Việt phải sống trong thân phận nô lệ, đang bị kẻ thù đào luyện thành tay sai “tả đạo” cho tham vọng thực dân của nước Pháp:
“… Tuy nhiên chúng cháu sống bặt tăm trong xứ sở xa xôi này, chúng cháu chỉ còn biết cầu xin hoàng đế cao dày rộng lòng xem xét những trường hợp của chúng cháu…” (57)
“… Nhưng những bọt nước thì phải văng theo sóng lượn!
Xin các ngài xét đến trường hợp của các cháu…” (57).

Nỗi niềm ấy xuất phát từ các trái tim thơ dại, trong trắng đó chăng? Hẳn đúng vậy. Có điều, không thể không thắc mắc, làm sao những đứa trẻ lại có thể phổ thành bài hát và công khai hát trước mặt bọn viễn chinh, cố đạo Pháp trong buổi lễ đón chào sứ bộ Đại Nam này? Tại sao bọn Pháp đạo diễn cho các cháu hát lên như thế? Phải chăng đó là một cách phòng xa của những tên cố đạo (thực chất là thực dân) trước tình thế, biết đâu một ngày nào đó bọn thực dân viễn chinh sẽ phải rút khỏi Đại Nam, nhất là thời điểm Pháp mới bị Phổ (Đức) đánh bại và cách mạng vô sản Pháp có thể lại bùng lên, tình hình chính trị ở Pháp đang có nhiều biến động? Ngày Đại Nam giành lại được nền độc lập, những đứa trẻ bị đào luyện thành “tả đạo” này sẽ phải bị triều đình Đại Nam nghi ngờ, thậm chí trừng phạt… Phải chăng các tên cố đạo phòng xa như thế? Hoặc đó là một biểu hiện cuả thủ đoạn hai mặt (chính – tà nhập nhằng, đánh lẫn) mà các cố đạo thực dân thường sử dụng?
Dẫu sao, những lần ấy khiến phó sứ Nguyễn Văn Tường không thể không trăn trở, và ông quyết định phải đấu tranh với bọn Pháp như thế nào để giành lại những đứa trẻ Việt Nam ấy. Như một loé chớp, ông cầm bút viết vào lúc đêm hôm khuya khoắt, dưới ánh đèn giữa phòng ngủ chung:
“Ôi đất đai khai thác gian nan mà một sớm nhượng cho người. Hoàng thượng nhức nhối trong lòng đã lâu, mà tôi con cũng không dám lộ ra ngoài miệng” (Bản tấu, 10.8 Quý dậu [1873]) (58).
“Thần trộm nghĩ rằng có người mới có đất, mà thu phục nhân tâm thì chính trị tốt không bằng giáo hóa tốt. Các hạt trong Nam vốn có dựng văn miếu, có thầy dạy, có trường thi, nhưng từ khi hữu sự đến nay bỏ phế đã lâu vậy…
Xin được ưng thuận cho đem lí lẽ tranh biện với nó, đòi hỏi cho ta được trùng tu văn miếu để tiện phụng thờ, cắt đặït giáo chức để rèn luyện học trò và mở trường thi để thu nhiều kẻ học. Dân giáo nếu xin nhập học, ứng thí cũng cho.
Như thế thì cõi bờ dù có mất mát chìm đắm, chính lệnh tuy chưa tới được, nhưng giáo hoá vẫn còn có thể thi hành, lấy đó mà vun trồng đạo lí, kích thích sĩ phu. Chúng nó mới đến, dùng chính sách hà khắc, ta lấy thiện giáo dạy dỗ dân. Tuy mất đất đai nhưng có được lòng người, thì cũng có thể dùng về sau. Vả lại, bên ngoài ta lấy vẻ mặt tươi cười chờ đợi, bên trong lại nghiêm chỉnh tự trị, binh khí, thuyền súng có nhân viên đảm trách, người tự nỗ lực, tự mưu tính để chờ cơ hội, thì cái hiệu nghiệm lúc xế chiều không phải là muộn vậy” (Bản tấu ngày 10.8 Quý dậu [1873]) (58).
“Cốt yếu ở chỗ ta phải có thế không thể xâm phạm, sau đó mới lấy lẽ không thể dung tha được để trách người” (Bản tấu ngày 10.8 Quý dậu [1873]) (58)
.
Những ý nghĩ ấy day dứt trong lòng phó sứ Nguyễn Văn Tường khôn nguôi.
Trong tình huống ấy, sứ bộ vẫn thường xuyên nhận được tin tức thông báo tình hình Bắc Kì qua trung sứ (viên sứ giao liên), và cũng qua trung sứ, họ liên lạc, trao đổi với triều đình Huế. Yêu cầu của triều đình Huế và vua Tự Đức đặt ra, chính vua và các đại thần phần nào cũng đã thấy bất khả! Sứ bộ nhận được chỉ thị mới trong nỗi chua xót. Hạ thấp yêu cầu của phía ta trong đàm phán, điều ấy có nghĩa là, không thể gọi chuyến đàm phán này là thắng lợi. Thắng lợi thế nào được khi sứ bộ ta không đạt được mục tiêu ban đầu!
Ngày mùng chín tháng tám nguyệt lịch (30.9.1873), sứ bộ gửi đến thống đốc Dupré một công văn với vài lời khiếu nại mới (59). Ba hôm sau (03.10.1873), phó sứ Nguyễn Văn Tường, tham biện sứ bộ Nguyễn Tăng Doãn và linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư đến Dinh Thống đốc Pháp, đề nghị phúc đáp công văn (30.9.1973) (59). Trong công văn ấy, sứ bộ đã hạ thấp yêu cầu:
1. Trao trả tỉnh Biên Hoà, vì đó là quê hương của mẹ vua Thiệu Trị.
2. Bãi miễn hoàn toàn số tiền bồi thường chiến phí (cả Pháp lẫn Tây Ban Nha).
3. Bỏ câu “doãn hành tắc hành” trong “hoà” ước Nhâm tuất 1862, vốn bó buộc vua Tự Đức không được nhượng một phần đất nào của mình cho một quốc gia nào khác nếu không được nước Pháp chấp thuận (59).
Thái độ của Dupré vẫn là im lặng từ chối. Y không muốn phúc đáp, chỉ bày tỏ ý định là mong sứ bộ chờ cho vài bữa!
Trong thời điểm ấy, viên chủ sự của ta, tên Sâm, vốn là tuỳ viên sứ bộ, bị vi phạm sơ suất nặng, phải bị bãi chức, nhưng vẫn cho ở lại để dự thính, học thêm tiếng Pháp, hoàn thiện thêm năng lực thông ngôn (60). Dẫu sao, việc bãi chức này vẫn là sự cố ngoài lề thuộc về nguyên tắc. Công việc vẫn tiến hành như cũ.
Trong quãng thời gian trống, vẫn có người chợt hỏi: Thật ra, phải chăng “vấn đề trục xuất Jean Dupuis ra khỏi Bắc Kì có thể là mục đích chính của sứ bộ An Nam” (61) ? Không, không phải chỉ yêu cầu quá thấp như thế, mặc dù đấy là một trong những yêu cầu chính.
Trong khi chờ sự thay đổi ở Dupré, hãy đàm phán về vụ Jean Dupuis xem sao! Sứ bộ nghĩ vậy.
Những hối thúc tác động vào Dupré. Y trả lời cho sứ bộ về yêu cầu ấy:
- “Tôi thấy không có cách gì hay hơn là tôi sẽ gửi một sĩ quan và một số nhân viên tuỳ tùng ra Hà Nội. Viên sĩ quan này sẽ ra lệnh cho Dupuis phải rút lui, và lấy vũ lực buộc anh ta thi hành mệnh lệnh nếu anh ta cưỡng lại lời nói” (62) .
Sứ bộ đệ trình ra Huế bằng đường trạm khẩn cấp.
“Triều đình nhận lời đề nghị này, và tưởng rằng đã được việc, và sẽ lợi dụng Dupré để đuổi Jean Dupuis, rồi kiếm cách đuổi Dupré sau” (62) .
Vào ngày mười bảy tháng chín (08.10.1873), phó sứ Nguyễn Văn Tường và tham biện Nguyễn Tăng Doãn lại đến gặp Dupré. Đề nghị hôm ấy là phải cho hai chiếc tàu ra Bắc Kì để bắt giam, trục xuất Jean Dupuis (63), bởi y ngày càng khiêu khích ngông ngược, đến mức đa số sĩ dân Bắc Kì và Nguyễn Tri Phương không thể chịu nổi, cho dù Phan Đình Bình đã ra Hà Nội để tiếp sức cho ông!
Sứ bộ không ngờ Françis Garnier mới về từ Thượng Hải, sau chuyến nghỉ phép ba tuần để thu xếp cho vợ con, y cũng đang chuẩn bị ra Bắc (64)! Con bài Françis Garnier đang được ném vào chiếu bạc chính trị ở Bắc Kì theo dự tính từ lâu của thực dân Pháp!
Triều đình Huế đã có một nhân vật đối trọng với Jean Dupuis và cả với Françis Garnier, sẽ làm đúng vai trò như Jean Dupuis! Lưu Vĩnh Phúc không phải người Việt, mà vốn là giặc Cờ đen. Có thể Lưu Vĩnh Phúc sẽ phải chiến đấu trong vai trò hiệp sĩ “phi chính phủ” (ngoài vòng trói của “hoà” ước!) . Lưu Vĩnh Phúc không thuộc quyền chỉ huy của ai hết, kể cả sự phụ thuộc vào triều đình Huế!
Sứ bộ không biết, trước hôm Françis Garnier ra đi, tên cáo già Dupré đã kể chuyện Jean Dupuis trên đất Hà Nội và trên các tỉnh khác ở Bắc Kì cho y.
“Dupré nói với Garnier:
- Vì các việc nói trên, mà tôi đã nghĩ đến anh. Tôi sẵn sàng cho anh một ngàn (1.000) quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Trentinian và một số pháo thuyền quan trọng.
Nhưng Garnier trả lời:
- Như vậy ta sẽ đi vào con đường khá nguy hiểm. Huế chỉ nhận cho ta đưa đi một vài nhân viên tuỳ tùng. Nếu ta giữ đúng lời này, ta sẽ giữ được một vị trí ngoại giao không ai có thể chống đối được.
- Vậy anh có thể đích thân đi được không?
- Thưa được, nhưng chỉ với sáu mươi (60) người thôi, mà tôi được quyền lựa chọn. Tôi sẽ thoả hiệp với chánh phủ người Nam và sẽ giải quyết tình hình tại chỗ. Nếu ta có thể làm cho Dupuis nghe lẽ phải, thiếu tướng sẽ có thể vì ân nghĩa này mà đòi hỏi triều đình Huế thoả thuận cho ta được đi lại tự do trên sông Hồng với một hiệp ước đồng minh” (65)
.
Thật tâm Dupré cũng chẳng dám trái lệnh Paris, Paris đang cố tránh sa lầy tại Bắc Kì trong thế yếu của nước Pháp sau chiến tranh Pháp – Phổ. Ông ta nén tham vọng, nghe theo Garnier với mục tiêu hạn chế ấy! Hai tên thực dân khác, bộ trưởng Hải quân Pothuau và cả đại uý Garnier cũng thế, đều sục sôi tham vọng nhưng cũng đều sợ trách nhiệm!
Ngày mười chín tháng chín (10.10.1873), Garnier đến thăm các sứ thần nước ta trước khi lên đường ra Bắc Kì (66)!

5

CƯỠNG ƯỚC NHÂM TUẤT 1862 (67)

“Khoản thứ I: Từ sau khi [kí kết “hoà” ước], vua hai nước Phú Lãng Sa và Y Pha Nho với vua nước Đại Nam cùng dân ba nước, không kể người nào ở địa phương nào, đều cùng đôn đốc hữu nghị, hoà hảo lâu dài.
Khoản thứ II: Hai nước Phú và Y truyền Đạo Thiên chúa ở nước Đại Nam, ai muốn theo cũng cho, ai không theo cũng không bắt buộc.
Khoản thứ III: Về ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và một xứ đảo Côn Lôn, giao cho nước Phú quản hạt. Như người buôn của nước Phú chạy tàu, thuyền lớn nhỏ từ biển khơi đến các sông lớn, sông nhỏ, đi sang các xứ nước Cao Mên buôn bán, đều được tuỳ tiện. Nếu tàu binh của nước Phú do tự [:theo từ] ngoài khơi ấy đi vào các sông xem xét cũng cho tuỳ tiện.
Khoản thứ IV: Từ sau khi nghị hoà, nếu có nước khác muốn đến nước Nam gây chuyện, hoặc muốn cắt đất giảng hoà, nên báo tin cho nước Phú tính bàn, tuỳ nghi cùng giúp đỡ. Về trong khoản giảng hoà với nước khác mà có sự cắt đất, nếu nước Phú bằng lòng làm thì làm, không bằng lòng thì bất tất làm.
Khoản thứ V: Người buôn ở hai nước Phú, Y đến buôn bán ở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên, đều nên đây đó cùng yên, cho được tuỳ tiện. Về thuế lệ của nước Nam, phải chiểu lệ mà giao nộp. Nếu người buôn của nước Nam có muốn đi sang buôn bán ở hai nước Phú, Y, cũng được tuỳ tiện, y theo thuế lệ hai nước ấy mà nộp. Nếu người nước khác đến buôn bán ở nước Nam, thì quan nước Nam không được tư vị giúp đỡ hơn là hai nước Phú, Y. Nếu có sự ích lợi buôn bán gì thi hành cho nước khác, thì cũng thi hành cho cả một loạt, [gồm] cho hai nước Phú, Y.
Khoản thứ VI: Nếu có công việc khẩn yếu mà cần phải hội đồng bàn bạc để làm thì đều phái ra viên khâm sai đại thần, hoặc họp ở kinh đô nước Nam, hoặc họp ở kinh thành hai nước [Phú và Y] để bàn mới được. Nếu không phải là nhân việc công mà ba nước sai sứ đến hỏi thăm nhau cũng được.
Nhưng tàu của hai nước Phú, Y đến cửa biển Đà Nẵng thì [phải] cho tàu dừng đậu. Viên khâm sứ phải do [:theo] đường bộ [từ Đà Nẵng ra,] tiến vào kinh.
Khoản thứ VII: Sau khi đã hoà ước rồi, thì những điều thù oán cũ vất bỏ đi hết. Phàm quân dân người nào bị nước Phú bắt giam đều tha cho về. Tài sản của trăm họ cũng đều giả lại cả. Những người nước Nam có đi làm việc cho người nước Phú, [thì] nước Nam cũng nên đặc ơn tha cho họ và không bắt tội đến thân thuộc họ.
Khoản thứ VIII: Bồi lại số bạc chi phí về quân nhu cho hai nước Phú, Y là bốn trăm vạn (4.000.000) đồng [đô-la], chia trả làm mười năm cho đủ. Mỗi năm giao cho viên đại thần nước Phú đóng ở Gia Định bốn mươi vạn (400.000) đồng chứa giữ. Nay hiện đã nhận được mười vạn (100.000) quan tiền kẽm; đợt sau giao bạc sẽ khấu trừ đi. Mỗi đồng bạc nặng là 07 đồng cân 02 phân [tương đương với 01 đô-la].
Khoản thứ IX: Nước Nam như có những giặc cướp, giặc biển, những kẻ làm loạn, quấy rối ở địa phương thuộc về nước Phú mà trốn về địa phương nước Nam, hay tù phạm giặc cướp của nước Phú trốn sang địa phương nước Nam, thì quan nước Phú lập tức tư cho quan địa phương nước Nam ở nơi tên can phạm ẩn trốn ấy, bắt giải giao cho địa phương nước Phú trị tội. Nếu có bọn cướp, giặc, bọn can phạm của nước Nam trốn ở địa phương thuộc về nước Phú, thì quan nước Nam cũng [thông] tư cho quan nước Phú biết, bắt bọn tội phạm ấy giao cho quan địa phương nước Nam trị tội.
Khoản thứ X: Từ sau khi nghị hoà rồi, phàm nhân dân ở ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đi lại buôn bán ở địa phương thuộc về nước Phú, về thuế lệ của nước Phú, đã theo lệ nộp rồi, thì đều được tuỳ tiện. Nếu nhân có việc công hoặc các việc quân lính, lương thực, súng đạn, khí giới, mọi vật, muốn qua lại cửa biển Tiểu ở Định Tường thuộc về đất của nước Phú, thì Phú Lãng Sa cũng chuẩn cho đi. Nhưng tất phải trước mười (10) hôm quan nước Nam phải [thông] tư báo cho quan nước Phú biết trước để cấp phiếu cho đi. Nếu không báo trước, lại không có giấy chứng thực của quan nước Phú mà tự tiện đi lại riêng lén, quan nước Phú xét biết, nhất định đem thuyền ấy phá tan và quân lính đều bắt giữ trị tội.
Khoản thứ XI: Tỉnh Vĩnh Long hiện đã về phần sở hữu của nước Phú, nay tạm làm nơi đóng quân. Nhưng [:mặc dù] quan quân của nước Phú tuy đóng ở Vĩnh Long, nhưng phàm việc nào thuộc về nước Nam, do quan nước Nam xử lí, thì quan binh nước Phú không chen vào kiêm làm, cùng là các việc cấm răn cũng vậy. Duy nước Nam hiện còn có các quan vâng mệnh dò thám riêng, để thừa cơ tiến đánh, vẫn ẩn nấp ở hai tỉnh Gia Định, Định Tường. Hiện nay đã cho nghỉ việc binh, lại lập hoà ước, thì nước Nam tất phải cho gọi những bọn quan viên ấy về, để cho nhân dân địa phương ấy đều được bình an, [và đến khi quan quân do thám của nước Nam rút hết] thì nước Phú lập tức đem tỉnh Vĩnh Long giao trả về nước Nam coi quản.
Khoản thứ XII: Phàm sau khi chương trình hoà ước đã lập rồi, quan đại thần ba nước kí tên, đóng dấu tâu lên. Tính tự ngày kí tên, đóng dấu là bắt đầu, hạn trong một năm, thì vua ba nước coi xem, phê chuẩn, rồi giao cho nhau ở tại kinh thành nước Nam để lưu chiểu”.

Làm tại Gia Định, ngày mùng 09 tháng 05 năm Tự Đức thứ mười lăm, Nhâm tuất (lịch Nam), tức là ngày 05.06. 1862 (lịch Tây).
Toàn quyền đại thần nước Đại Nam: Chánh sứ, thượng thư Phan Thanh Giản; phó sứ, thượng thư Lâm Duy Thiếp.
Toàn quyền đại thần nước Phú Lãng Sa: Bonard, thiếu tướng hải quân, tổng chỉ huy liên quân Pháp [:Phú] – Tây Ban Nha [:Y Pha Nho].
Toàn quyền đại thần nước Y Pha Nho: Guittierez, đại tá chỉ huy trưởng quân đội viễn chinh Tây Ban Nha [:Y] tại Nam Kì (68)
.

6

Ngày mười, tháng chín nguyệt lịch (30.10.1873), chánh sứ Lê Tuấn vẫn lâm bệnh nặng (69). Ông gắng gượng viết bản sớ xin nhà vua đổi người đảm trách chức vụ lãnh đạo sứ bộ thay ông (69). Không phải tình hình đã xấu đi đến mức ông phải thoái thác, thật sự ông thấy sức khoẻ mình đã đến lúc ngặt nghèo. Thuốc thang không thiếu, ngự y giỏi nhất nhì Thái y viện vẫn ngày đêm túc trực, nhưng quả thật, ông thấy rõ bệnh không thuyên giảm chút nào. Cổ họng ông vẫn sưng tấy, nhức nhối. Hôm nay, Dupré đến, chánh sứ Lê Tuấn vẫn không ngồi dậy nổi để tiếp. Nằm trên giường, ông vẫn nghe y thúc giục sứ bộ họp hội đồng để soạn thảo ra các điều khoản “hoà” ước mới (70). Nhưng phó sứ Nguyễn Văn Tường và tham biện Nguyễn Tăng Doãn đề nghị hoãn lại việc đó trong khi chánh sứ đang bệnh (70). Dupré trở về dinh của y trong sự sốt ruột. Chả là y sắp hết hạn phục vụ, nên trong thâm ý vẫn muốn lập công lần cuối!
Về đến dinh, Dupré viết ngay một bức thư gửi ra vua Tự Đức. Y vẫn muốn giữ lại chánh sứ Lê Tuấn (69) và đồng thời y rất ngại chính Nguyễn Văn Tường, người mà y rất gờm vì sự linh hoạt và sắc bén của ông, sẽ gây khó khăn cho y!
Sáu ngày sau (05.11.1873), phó sứ Nguyễn Văn Tường và tham biện Nguyễn Tăng Doãn lại cùng linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư đến Dinh Thống đốc, yêu cầu Dupré suy nghĩ các điểm đề xuất (71).
Phó sứ Nguyễn Văn Tường nói:
- Chúng tôi mong thống đốc trao trả tỉnh Biên Hoà và phủ Hoà Thạnh (71). Xin lặp lại yêu cầu ấy. Chẳng lẽ nước Pháp vẫn cố quyết vi phạm “hoà” ước Nhâm tuất 1862 đến mức không thể thương lượng phần nào? Chẳng lẽ Đại Nam lại mất không ba tỉnh Miền tây vì sự vi phạm thô bạo ấy?
- Rất tiếc, chúng tôi không thể trả lại tỉnh nào ở Nam Kì. Từ năm 1867 đến năm 1868, tướng De la Grandière đã dứt khoát vấn đề này. – Ngẫm nghĩ một lát, y nói tiếp –. Tuy nhiên, dẫu sao, tôi cũng hứa sẽ trả lại những vùng đất nào có mộ phần thuộc họ thân mẫu, họ ngoại tổ nhà vua… Đấy là những nơi khoảng vài chục mẫu đất…
- Thống đốc nghĩ sao về việc chúng tôi đề nghị bãi bỏ toàn bộ số tiền được gọi khá mỉa mai và vô lí là “bồi thường” chiến phí (71)? – Phó sứ Nguyễn Văn Tường nói –. Hẳn đến nay, nước Pháp cũng rất bực nhọc về việc phải bồi thường như vậy cho Đức! Nhưng khác với nước Pháp, Đại Nam không hề tuyên chiến, mà chỉ chiến đấu để tự vệ!
- Tôi mong rằng sứ bộ sẽ được uỷ nhiệm toàn quyền. Đến lúc ấy, tôi sẽ xin chính phủ Pháp theo yêu cầu. Có điều chưa dám hứa trước! – Dupré đáp –.
Phó sứ Nguyễn Văn Tường biết đó là cái bẫy. Ông nói:
- Rút kinh nghiệm về sứ bộ Phan Thanh Giản, lần này, bao giờ các khoản “hoà” ước được hai bên sứ bộ và suý phủ thoả thuận xong, nhà vua và triều đình bản quốc đồng ý, bấy giờ mới có sắc ấn toàn quyền. Xin hãy thoả thuận trước.– Phó sứ Nguyễn Văn Tường lại nói –. Còn điểm thứ ba, “doãn hành tắc hành” (71) ? Chúng tôi hi vọng thống đốc đã suy nghĩ lại.
Ngước đôi mắt xanh lè lên, Dupré lại gật đầu:
- Điểm này tôi đồng thuận (71).
Sứ bộ Đại Nam cảm thấy khá lạc quan. Đó vẫn là điểm mấu chốt để phá vỡ thế bị cô lập và trói chặt về ngoại giao, kể cả ngoại thương. So với cuộc hội đàm năm 1867 đầu năm 1868, sứ bộ thấy kết quả có phần khả quan hơn. Nhưng phó sứ Nguyễn Văn Tường vẫn muốn tranh đấu thêm một mức nữa.
Đến hết buổi trưa, rốt cuộc, Dupré vẫn chỉ chịu nhân nhượng đến đó!
Hai mươi ngày sau, tin từ triều đình Huế chuyển vào:
“Vua nghe tin chánh sứ đi Tây là Lê Tuấn ốm, ở lại tỉnh Gia Định, [liền] sai phái thầy thuốc đến chữa và sai trung sứ đem các thứ thuốc. Rồi tiếp được một tập mật tâu của Lê Tuấn và thư của tướng Pháp, chữ Tây, chữ Hán mỗi thứ một tờ.
Vua bảo Viện Cơ mật rằng: “Tập tâu của Lê Tuấn xin đổi người đi sứ, mà thư của tướng Pháp có ý hình như không muốn đổi, thì tình ý đã hợp, làm việc dễ thương thuyết, quyết không đổi”. [Vua] chuẩn cho lục chỉ giao cho sứ thần tuân theo” (69)
.
Đó là ngày mùng sáu tháng mười nguyệt lịch (25.11. 1873).
Bốn ngày sau, chiếc tàu Decrès từ Hà Nội vào đến Sài Gòn. Ngày kế tiếp, Dupré đến Dinh Sứ quán báo tin Garnier đã chiếm thành Hà Nội từ mười hôm trước (72)! Đó là một tin sét đánh đối với sứ bộ! Bàng hoàng hơn, khi họ nghe những tin về tổn thất.
Đêm đến, cả chánh sứ Lê Tuấn, người lúc này đã được phục hồi sức khoẻ (72), cùng với phó sứ Nguyễn Văn Tường và tham biện Nguyễn Tăng Doãn đều đi đến Dinh Thống đốc xin phóng thích cho các viên quan của ta ở Hà Nội bị giặc bắt vào, chúng đang giam giữ họ. Sáng hôm sau Dupré mới trả lời, y chỉ phóng thích cho khâm phái Phan Đình Bình và bố chính Vũ Đường (Đàng), còn các viên khác, đề đốc Đặng Siêu, lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm và hai con trai của Phan Thanh Giản là Phan Tôn, Phan Liêm, y vẫn quyết định phải giam giữ làm con tin, cho đến khi kí kết “hoà” ước xong. Và ngay lập tức, vào ngày mười hai (01.12.1873) ấy, theo lệnh y, hai anh em họ Phan bị đẩy xuống tàu Aveyron để bị chở về Pháp (72)!
Sứ bộ không thể không rúng động trước sự biến quá bất ngờ. Họ tiên đoán chúng sẽ làm sức ép, nhưng bằng sự quấy rối hơn là bằng tấn công quân sự. Họ lại hoàn toàn không ngờ thành Hà Nội lại thất thủ nhanh đến thế với tổn thất về người đau đớn đến thế!
Đối với sứ bộ, cái chết cùng ngày của giám mục Miche (73), kẻ trợ giúp đắc lực cho việc Pháp bảo hộ Cao Mên (73), cái chết ấy càng trở nên vô nghĩa trước tin dữ kia, thậm chí còn dưới mức vô nghĩa nữa! Trong thời điểm nghe tin Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, bị bắt, con trai ông (phò mã Nguyễn Lâm) tử trận, không gì mỉa mai, chua chát hơn khi sứ bộ Đại Nam phải đành cắn răng tuân theo phép lịch sự ngoại giao, đến giáo đường “tả đạo” để dự lễ cầu hồn, an táng giám mục thực dân Miche (73).

Hết tệp 2 truyện kí thứ 7

Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 7
vào lúc 11 giờ kém 05 phút,
ngày 09.11.2002
(05.10 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(40) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 467 – 469.

(41) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 469 – 470.

(42) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 293, 342; NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 471.

(43) NNBCĐH., bài đã dẫn, chú thích của Cadière, sđd., 2001, tr. 474.

(44) NNBCĐH., bài đã dẫn, chú thích của Cadière, sđd., 2001, tr. 471.

(45) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 471 – 474. Xem chú thích (110).

(46) M. Dutieb, L’Amiral Dupré et la conquête du Tonkin, dẫn theo CXL., sđd., 2001, tr. 298.

(47) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 321.

(48) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 322.

(49) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 328.

(50) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 321.

(51) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 322 – 324.

(52) CXL., sđd., 2001, tr. 314.

(53) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 324.

(54) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 325.

(55) CXL., sđd., 2001, tr. 293.

(56) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 474.

(57) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 472 – 473, 474 – 475.

(58) Châu bản, dẫn theo: Các báo cáo khoa học, bài “Tìm hiểu thêm về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” của Trần Viết Ngạc, Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, 02.07.2002., tr. 16.

(59) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 475 – 476.

(60) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 476, 479.

(61) NNBCĐH., bài đã dẫn, chú thích của Cadière, sđd., 2001, tr. 476.

(62) NTP., sđd., 1974, tr. 180.

(63) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 476.

(64) NNBCĐH., bài đã dẫn, chú thích của Cadière, sđd., 2001, tr. 476.

(65) NTP., sđd., 1974, tr. 181.

(66) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 476.

(67) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 297 – 305.

(68) VN.NSKLS, tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 45 – 46.

(69) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 333.

(70) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 477.

(71) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 477.

(72) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 478.

(73) NNBCĐH., bài đã dẫn, sđd., 2001, tr. 478 – 479, 470.

Soạn xong phần chú thích
lúc 09 giờ 25 phút, ngày 14.11.2002
(10.10 Nh. ngọ, HB.2)
.

TRẦN XUÂN AN


HẾT TỆP 2
(PHÂN ĐOẠN 2 TRUYỆN KÍ THỨ 7)
thuộc tập 2 bộ sách “PCĐT. NVT.”
(từ tr. 24 đến tr. 44)

Xin xem tiếp T ỆP 3
(phân đoạn 3 truyện kí thứ 7)
thuộc tập 2 bộ sách “PCĐT. NVT.”
(từ tr. 45 đến tr. 68)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home